Quá nhiều sỹ quan quân đội, công an ở Uỷ ban Quốc phòng An ninh?

ĐBQH Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp
ĐBQH Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp
TPO - Viện dẫn tại Uỷ ban Quốc phòng Anh ninh toàn sĩ quan quân đội, công an, ĐBQH Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi, tại sao không cơ cấu thêm nhiều đại biểu khác, để khi thẩm tra dự án luật có sự khách quan hơn?

Chiều 12/11, Quốc hội cho ý kiến về việc sửa đổi một số nội dung của Luật Tổ chức Quốc hội. Đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Bé (An Giang) đồng tình với chủ trương tăng số lượng ĐB hoạt động chuyên trách, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng ĐBQH, tuy nhiên tăng bao nhiêu và tăng ở bộ phận nào cần xem xét. 

Theo bà Bé, ĐBQH đều được bầu ra từ địa phương, tập hợp thành đoàn, nhưng đa số mỗi đoàn chỉ có 1 ĐBQH hoạt động chuyên trách. Trong khi đó, địa phương lại chính là nơi để ĐBQH nghiên cứu chính sách, sát hạch, kiểm tra xem chính sách có đi vào cuộc sống hay không. Do đó, ĐB Bé đề nghị quy định mỗi đoàn có 2 ĐB hoạt động chuyên trách, thay vì 1 như hiện nay.

Để nâng tỷ lệ ĐB hoạt động chuyên trách, ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) đề xuất giảm cơ cấu ĐB thuộc khối hành pháp, các thành viên Chính phủ, UBND các tỉnh. Cũng có ĐB đề nghị nên hạn chế tối đa cơ cấu ĐB theo ngành nghề, chỉ nên cơ cấu ở một số lĩnh vực nhất định để tăng thêm ĐB chuyên trách.

Trong khi đó, ĐB Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn Đồng Tháp cho rằng, cơ cấu thành viên Uỷ ban hiện nay không phù hợp, điển hình tại Uỷ ban Quốc phòng và Anh ninh, chủ yếu là sỹ quan quân đội, công an. “Tại sao không cơ cấu thêm nhiều ĐB khác, để khi thẩm tra dự án luật có sự khách quan hơn?”, ông Hòa nêu.

Liên quan đến việc cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH, theo ĐB đoàn Đồng Tháp, thời gian qua có nhiều trường hợp và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm nhiệm vụ này. Ông Hòa đề nghị, tới đây nếu có trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH thì cần đưa ra Quốc hội cho ý kiến.

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH đều đồng tình với việc nâng Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu thuộc Quốc hội thay vì thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội như hiện nay. Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Thuỷ (Hậu Giang), việc nâng vị thế hai cơ quan này không làm tăng biên chế, mà chỉ làm rõ vị thế, vai trò, địa vị pháp lý, đúng với chức năng, nhiệm vụ Quốc hội giao.

“Hai Trưởng ban này cũng là Uỷ viên Trung ương Đảng, tại sao chúng ta không nâng hai Ban này lên thuộc Quốc hội”, ĐB Thủy cho hay.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị dự án này cần nghiên cứu thấu đáo, kỹ hơn và lùi thời gian thông qua sang kỳ họp thứ 9.

MỚI - NÓNG