Quá ngưỡng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Suy nghĩ gì về câu chuyện sư Đầu Đà - Minh Tuệ, khi đã mấy tuần vẫn chưa hạ nhiệt? Không phải là trend thông thường, và tôi cho rằng dùng từ trend ở đây chưa chính xác.

Đây không phải là một xu hướng truyền thông, mà đã chạm đến một thứ cốt tủy nhất, nguyên thủy nhất, để rồi đã vượt qua một cái "ngưỡng", mà đà bung ra của chốt hãm chưa thể dừng lại, ít nhất trong bối cảnh xã hội hiện tại.

Sự vượt ngưỡng ấy thể hiện bằng sự thay đổi về chất, với không chỉ phật tử, người mộ đạo, mà còn xảy đến với đông đảo những người bình thường chúng ta. Điều hầu như chưa từng xảy ra với nhan nhản các loại trend trên mạng xã hội. Đó là sự bừng tỉnh và nhận thức lại của con người, mở ra những khía cạnh mới về nhân sinh quan, và cả thế giới quan. Về đạo, về pháp, về người, về mình,…

Lâu nay chúng ta đến với tôn giáo, tín ngưỡng dường như không chịu tìm kiếm những cái thuộc về thế gian này. Sự trải nghiệm đầy sùng tín và kính sợ ấy dễ dắt con người ta vào một tâm thế mơ hồ, thiếu lý trí. Tình trạng ấy càng trầm trọng hơn khi bị mê dụ bởi những thứ "giáo lý" mang tính hù dọa và thực dụng đang được rao giảng tại không ít cơ sở tôn giáo hiện nay. Nay bước đầu đã có sự tỉnh ngộ.

Trên đời mọi thứ đều có thể xảy ra, đều có thể lặp lại mà kinh nghiệm con người cộng với AI chưa chắc lường trước được để phòng tránh. Nhưng vẫn có những cái "ngưỡng", những thứ giới hạn rất thông thường, mà vật cản trì kéo của nó thật nặng nề. Như không thể hiểu nổi liên tiếp những vụ hỏa hoạn gây thảm nạn kinh hoàng, vụ sau lặp lại nguyên xi vụ trước. Cả những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể cũng vậy, đều trùng khớp một kịch bản. Biết bao nhiêu quy định, văn bản siết trên siết dưới, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc,… nhưng vẫn cứ xảy ra, vụ sau nghiêm trọng hơn vụ trước. Biện pháp nào để có được sự chuyển biến về chất, liên quan đến lương tâm, trách nhiệm của đội ngũ công quyền nhiều nơi hiện nay?

Chúng ta đang ở những thập niên đầu của kỷ nguyên mới. Nhưng với những gì đang diễn ra trên toàn cầu, và những cái "ngưỡng" ứ đầy của khủng hoảng, phải tự hỏi, rằng thế kỷ 21 sau Công nguyên này liệu sẽ trở thành một thứ "Tân Công nguyên" mà đấng tối cao chính là lãnh tụ của tầng lớp siêu nhân - con đẻ của AI chăng? Khi nền tảng tinh thần kể cả tôn giáo của nhân loại sẽ buộc phải thay đổi, thậm chí bị thay thế và chia sẻ bởi AI?

Sư Minh Tuệ đã chọn con đường độc giác, không một lời giáo hóa, mà dùng thân xác chính mình để gợi ra cho nhiều người chúng ta cách mở những cánh cửa tối tăm, hoen gỉ trong tâm thức. Thật trùng hợp với tư tưởng của thi hào người Lebanon Kahlil Gibran. Rằng người thầy thực sự sẽ không bắt bạn phải chiêm ngưỡng ngôi nhà trí tuệ của ông ấy, mà sẽ dắt bạn đến ngưỡng cửa tâm trí của chính bạn.

MỚI - NÓNG