Nhớ thời “Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Lơ”

Nhớ thời “Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Lơ”
TP - “Bao cấp”, đó là một thời bi tráng, cũng là một bài học đắt giá về quy luật phát triển của xã hội... Chủ đề này đang được sống lại tại cuộc triển lãm “Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp 1975 -1986”
Nhớ thời “Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Lơ” ảnh 1

Chiếc xe Pơ-giô này thực sự là niềm mơ ước của bao người một thời  
                                          Ảnh: Phạm Yên

Giai thoại, hò vè nở như ngô rang

Xe “Lơ” tức Pơ-giô được chú thích như sau tại triển lãm “Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp” (1975 - 1986) đang thu hút đông đảo người dân Hà Nội những ngày nóng nực này tìm đến Bảo tàng Dân tộc học: “Tài sản cá nhân quí hiếm và niềm mơ ước khó thực hiện của đại đa số gia đình, chuẩn mực của giàu sang”.

Pơ-giô có mấy màu phổ biến: Đỏ ớt, xanh cô-ban, cá vàng. Nhìn tổng thể đẹp nhã nhặn. Thế nên chủ nhân của nó guồng xe trên đường, cứ là lên “mấy chân kính” trong mắt đối tượng.

“Đẹp trai lai Pháp, hiếm có khó tìm” mà “đi xe của Bộ” tức đi bộ, hoặc đi xe xấu, xe nội thì vét đĩa. (Từ “vét đĩa” thông dụng như  “kém tắm” bây giờ).

Về sau xuất hiện xe máy thì: “Mặt rỗ đi Lơ không bằng lưng gù đi Cúp” “Lưng gù đi Cúp không bằng con cóc ngồi sập gụ” (cóc: chỉ đối tượng cao tuổi). Sập gụ, tủ chè cũng một niềm mơ mộng ngất ngây của nhà khó.

Bà Nguyễn Thị Bạn 74 tuổi, chia sẻ trong triển lãm: “Tôi tiết kiệm mãi mới mua được chiếc Pơ-giô. Một hôm thằng cháu lấy tập, bị ngã xước hết sơn. Tiếc không ăn được cơm. Hôm sau, đóng hộp cất luôn nên giờ vẫn mới”.

Họ xa của gia đình tôi có một người quắc thước đường bệ, dáng đi xe rất đẹp. Ông được cơ quan phân phối chiếc xe Thống Nhất. Mỗi lần đến chơi, xe để ngay cửa vẫn ý nhị chìa nửa lốp chắn ngang. Ngồi chuyện trong nhà, mắt cứ chăm chăm nhìn ra sợ kẻ trộm nẫng mất.

Là cán bộ cỡ nhỏ, ông dành dụm mua được chiếc Pơ-giô đẳng cấp. Chưa bao giờ tôi thấy nó hạ thổ, lúc nào cũng lơ lửng giữa nhà, mình mẩy băng bó bằng vải trăng trắng. Hình như tận cuối đời ông chủ vẫn không nỡ ngồi lên xe, thôi coi như lưu lại kỉ niệm sâu sắc một thời.

Hàng xóm thì có nữ y tá công tác ở bệnh viện Saint Paul, ngoài niềm tự hào về nhan sắc - “thời con gái xinh nhì phố Hàng Than, chỉ thua Phương Thanh (diễn viên điện ảnh)” còn là: chiếc xe Mi-pha của Đức mà ngày ngày, nhan sắc vẫn “thân” bế bồng lên lên xuống xuống mấy tầng gác, như bế cục cưng.

Sau bài “Truân chuyên những người đẹp phố Huế”, ca sĩ người gốc phố Huế - Ái Vân phản hồi: “Chồng Vân là dân Sài Gòn sang Mỹ, anh ấy không thể tưởng tượng được tại sao đẹp trai đi bộ lại không bằng mặt rỗ đi Lơ, rằng một chiếc xe đạp dù của Pháp lại giá trị đến thế”.

Chiếc xe máy Pơ-giô 103 Ái Vân từng sở hữu mới gọi là đỉnh! Vân bèn bổ túc cho ông xã một ít kiến thức: Một yêu anh có Sen-kô/ Hai yêu anh có Pơ-giô cá vàng/ Ba yêu nhà cửa đàng hoàng/ Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng Thủ đô...

Đây còn là tiêu chuẩn của thời khá, chứ cao điểm khó khăn, cả Hà Nội ăn bo bo thì: Một yêu anh có may-ô/Hai yêu anh có cá khô ăn dần/ Ba yêu rửa mặt bằng khăn/Bốn yêu anh có chiếc quần đùi hoa...

Giai thoại chiếc quần đùi: Anh nọ đến bệnh viện tiêm đùi, bác sĩ yêu cầu “thoát” quần dài. Anh nhăn nhó, e thẹn. “Ơ cái anh này lạ nhỉ, đàn ông với nhau ngại gì” “Nhưng em không có quần đùi” “Ơ cái anh này lạ nhỉ, thế anh tưởng tôi có chắc!” Bắt phanh trần phải phanh trần/Cho may-ô mới được phần may-ô  hẳn cũng được chế tác giai đoạn này...

Sinh viên dĩ nhiên ăn khổ, bát canh toàn quốc nước chấm đại dương, nên mới có chuyện: Căng tin có bữa dọn món cá hẳn hoi, các trí thức tương lai ngắm đĩa thức ăn, than: Khổ thân mày cá ơi, đầu mày đây mà mình mày đâu.

Nhớ thời “Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Lơ” ảnh 2

Phở - nhân vật trong cuộc sống lứa đôi

30 tuổi, một vị khách tham quan Bảo tàng ghi sổ cảm tưởng: “Chỉ đến tết mới được ăn mứt, tôi thích nhất mứt lạc, những hạt mứt tròn tròn, giòn tan, xinh xinh như trứng chim...”

Phở, ngon tuyệt, cũng ám ảnh những đứa trẻ ở phố. Ốm mới được ăn, nên hay đập bệnh, lừa bố mẹ rằng khó ở. Người lớn cũng có tiêu chuẩn riêng của người lớn.

Một trong những điểm độc đáo của hàng phở phố Bà Triệu đoạn cắt Lý Thường Kiệt là tên các thành viên trong gia đình: Hoàn, Toàn, Phấn, Khởi, Tiến, Bộ, Tươi. Điểm nữa: Con dâu nhà này - Tuyết Hằng, xinh tuyệt với da mịn, lúm đồng tiền duyên dáng, mũi dọc dừa.

Hằng là danh ca đội Hoạ Mi - Cung thiếu nhi HN, hát “Em đi giữa biển vàng” trên Đài, trên ti vi thì hay ngang Hải Vân của đội Sơn Ca Đài Tiếng nói VN nhưng xinh hơn. Một bạn gái xinh đẹp khác của tôi cũng suýt đầu quân vào nhà này, yêu chàng út  da trắng môi đỏ tên Tươi!

Phở cho đến giờ luôn hấp dẫn, đầy phong vị, chả thế có người ăn thay cơm, còn chuyện phở kể cả ngày được, ngào ngạt hương vị đời thường.  Như chuyện tác giả của những ca khúc trữ tình và nhạc phim nổi tiếng nọ, ngày xưa cũng nổi tiếng luôn với lập ngôn: “Đọc hết tổng phổ rồi”. Nguyên do anh hay khoe chuyện rất dễ dàng cưa đổ các em, với “bài” tán: Rủ đi chơi, đêm về có bồi dưỡng phở! Chỉ phở mà đọc hết tổng phổ của người ta ư?

Quẫy đạp

Nhớ thời “Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Lơ” ảnh 3
Một số hình ảnh trong triển lãm “Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp”

Chiếc đài Ri-gôn-đa tổ bố, ti vi đen trắng Nép-tuyn, ti vi Sa-tuyn Liên-xô, quạt Tai Voi... là những vật dụng sang trọng trong ngôi nhà khá giả, do thành viên đi nước ngoài học tập công tác sắm.

Áo lông Đức cũng từng biểu tượng. Có chiếc như thế bày trang trọng Bảo tàng, khiến hoài niệm hình ảnh lung linh của các chàng khoa Lý, hàng xóm khoa Văn Tổng hợp chúng tôi- giữa thập kỉ 80. Cả khóa 30 bọn họ diện áo lông Đức màu cỏ úa, màu bộ đội...  nom ngời ngời, đi đến đâu nữ sinh nhất là dân ngoại tỉnh ngoái sái cổ.

Trào lưu “cứu nước cứu nhà” - xuất khẩu lao động bắt đầu nổi từ cuối 80. Đội đi Liên - xô sáng tác vè rất hay ho thống thiết phỏng theo Hịch... về những dây may so, bàn là, áo phông cành mai...

Một trong bọn họ mà tôi quen, quyết chí đi Liên-xô mang sức trẻ đổi lấy bàn là, nồi áp suất... Được ít lâu đã thấy tò tò về,  chưa kịp sắm sửa đã về, bởi trót mang bầu. Thằng bé đẻ ra được cả nhà gọi “Xaratốp không ra đá” (Xaratốp: tủ lạnh Liên-xô, cũng một đỉnh cao mơ ước).

Trên Tiền Phong 120-126, Trần Hiếu - Mạnh Việt viết về những người đã dám “xé rào” trong lĩnh vực kinh tế xã hội.

Trong văn nghệ báo chí, những người dám vượt rào có thể kể: Đặng Nhật Minh (Cô gái trên sông), Trần Văn Thủy (Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế), Lưu Quang Vũ (Tôi và chúng ta), Nguyễn Minh Châu (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành), Trần Huy Quang (Lời khai của bị can), Phùng Gia Lộc (Cái đêm hôm ấy hôm gì), Trần Tiến... vân vân.

Nhưng nếu như kinh tế đã tiến những bước khá dài đáng phần khởi thì những ám ảnh văn chương nghệ thuật một thời, bao cấp tư tưởng một thời vẫn chưa xa...

Nhan sắc phố phường” được một bạn đọc khác phản hồi: “Chi tiết ngôi sao ballet Hồ Thiên Nga đã định cư ở Hung là sai. Tôi quen cả gia đình cô ấy, Nga có bố người Hung mẹ Việt, giờ Nga sống ở Pháp, bỏ chồng cũ lấy chồng Pháp mở nhà hàng. Cô con gái tên là Trang lớn lên cũng trở thành một thiếu nữ cực kì xinh đẹp nhưng đã quên tiếng Việt”.

Ông kể thêm chuyện ca sĩ Huyền Châu đề cập trong bài: “Tôi được Huyền Châu để lại 1 suất vượt biên trị giá 2 lạng rưỡi vàng. Đường dây vượt biên này do bạn trai Châu tổ chức. Cô ấy định đưa cả mẹ đi, tuy người nhà nhưng đóng tiền bình thường như người ngoài. Bà mẹ bị ốm không đi được, cô ấy nhượng suất này cho tôi. Điểm xuất phát gần Nhà hát Lớn, phút cuối nổi cơn yếu đuối lại không đi nữa”.

 Họa sĩ trong một gia đình hoạ sĩ- H.H.C cũng kể, anh trai anh vượt biên có đến hơn chục bận - vượt, bị bắt rồi lại vượt - bắt, mãi không chừa...

Quán bia hơi mậu dịch thời bao cấp ở cạnh nhà Ái Vân cũng bị người nhà tôi chê là “tả tháu” trong bài. Phải cụ tỉ (cụ thể, tỉ mỉ) hơn. Muốn có bia phải mua kèm lạc rang, nộm; tích kê bằng sắt buộc dây thép... Cùng với bia hơi, chanh “ga” thì si-rô lựu - nước giải khát kinh điển.

Cốc bia vàng như đồng lúa chín/Của ta làm ca ngợi chúng ta (Thơ Xuân Diệu). Chiếc cốc vại đựng bia, chất lượng thủy tinh kém nên nổi mụn ở thành cốc, hôm nay vinh dự nằm trong sưu tập đồ cổ của biên đạo múa Việt kiều Ea Sola - cùng với chiếc cặp lồng dã chiến, khối chữ nhật, màu cỏ úa... “Chẳng bao lâu sẽ không ai được thấy nữa, quí lắm đấy”.

Cả xã hội ăn và mặc hệt nhau! Thế mà vẫn nổi bật nhan sắc của phố, vẫn nên người! Hình ảnh khá cảm động trong triển lãm nói trên: Bức tranh vẽ trên bìa tận dụng từ nắp thùng các-tông.

Còn nhan sắc của phố như con bé Khánh (Hoa hậu VN tương lai Nguyễn Thị Ngọc Khánh), hồi nhỏ thực ra không có nét gì đặc sắc chỉ được cái dài người và có thần có thái. Hình ảnh quen thuộc là ngự trên chiếc xe thiếu nhi Liên-xô.

Thường đứa trẻ nào mũm mĩm búp bê, lớn lên chưa chắc ăn đứt đứa hồi nhỏ nguếch ngoác, củ khoai củ sắn. Mỹ An, chị của Khánh kịp hòa vào dòng chung “cứu nước cứu nhà”. 

Còn Kim Thư, dì ruột của Mỹ An - Ngọc Khánh, trang nhan sắc với mũi như tạc, Sài Gòn vừa giải phóng đã kịp tiếp quản Đài Truyền hình TPHCM, mỗi lần về lại phố Huế không tiếc lời ca ngợi “thiên đường” Hòn ngọcViễn Đông. Dân Sài Gòn thì kể giai thoại kiểu: Hỏi họ hàng ngoài Bắc thích gì để còn đáp ứng - Trả lời: Cua bể (bê của).

Bảo tàng ở đường Nguyễn Văn Huyên tháng 6 này cũng dành góc nhỏ tái tạo không gian sống của gia đình khá giả: Bộ bàn ghế xa lông gỗ, tủ ly lệch, ti vi đen trắng, đài, giường xếp...

Nhớ lần tham quan Sở Nhà đất Singapore, có một gian cũng phục dựng điều kiện sống thập kỷ 50 - không khác Việt Nam thập kỉ 70, 80. Nào bếp tập thể qui tụ hàng chục cái bếp, đun củi, sứt sẹo. Tứ đại đồng đường chen chúc căn hộ tí hin.

Đối lập hoàn toàn với chốn này là không gian lộng lẫy cạnh đó - mô hình căn hộ thế kỉ 21, văn minh, cầu kì từ phong thủy trở đi. Theo luật, mỗi cặp vợ chồng mới cưới được Nhà nước hỗ trợ 20.000 USD để mua nhà.

Triển lãm “Bao cấp” mở đến hết năm, còn cuộc trưng bày ở Singapore không thời hạn. Để nhắc nhớ, để phấn đấu. Khi người ta đã mạnh, người ta nhìn lại quá khứ với một nụ cười.

Nhiều người trong chúng ta cũng nhìn lại quá khứ với chút xót xa và nụ cười tươi, nhưng không phải tất cả. Dấu ấn của một thời gian khó còn đâu đây...

MỚI - NÓNG