Truyền hình: Phong phú hơn nhờ cạnh tranh?

Truyền hình: Phong phú hơn nhờ cạnh tranh?
TP - Sự kiện đài truyền hình Bình Dương (BTV) đưa vào sử dụng tháp anten cao 252m vào tháng 4 năm ngoái khiến cho các nhà đài bậc “đàn anh” không khỏi ngỡ ngàng.

Với tháp anten này, BTV đã có thể mở rộng tầm phủ sóng sang các tỉnh miền Đông Nam Bộ kế cận như Đồng Nai, Bình Phước và còn vươn xa đến tận Vĩnh Long, Cần Thơ…

Cuộc đua giữa các “nhà đài”

Hiện BTV đang sở hữu tới 3 kênh truyền hình: BTV1, BTV2, BTV3, trong đó kênh 3 phát liên tục 24/24h.

Tuy GĐ đài này, ông Nguyễn Đức Trường từ chối xác nhận thông tin về bản quyền World Cup (WC) 2006, nhưng có  tin cho hay BTV đang đàm phán mua bản quyền WC 2006 của FPT.

Đây cũng là một trong những đài TH địa phương đầu tiên thành lập hãng phim truyền hình riêng sản xuất các chương trình văn nghệ giải trí. Dự án phim trường với hơn 500 chỗ ngồi được trang bị công nghệ truyền hình hiện đại sẽ đưa BTV trở thành đài có phim trường lớn nhất miền Đông Nam Bộ.

Với lợi thế vùng phủ sóng bao trùm tất cả các tỉnh lân cận, từ đầu năm nay HTV (TP.HCM) cũng bắt đầu phải chạy đua với ông bạn hàng xóm BTV bằng việc phát sóng 24/24h trên 2 kênh HTV7 và HTV9.

HTV sử dụng cả 3 công nghệ hiện có: analogue truyền thống, kỹ thuật số (KTS) và truyền hình cáp. Người bạn đồng nghiệp HTV Hà Nội cũng đang ráo riết phát triển mạng truyền hình cáp với 22 kênh chương trình, trong 8 kênh tiếng Việt, 14 kênh quốc tế.

Lãnh đạo VTV cũng cho biết sẽ sớm thay thế công nghệ analogue bằng KTS. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là VTV phủ sóng toàn quốc bằng analogue nên đài sẽ đưa ra lộ trình để người dân có thể theo kịp với sự đổi mới công nghệ này.

Với công nghệ KTS, VTC đang chiếm ưu thế tuyệt đối với vùng phủ sóng công nghệ KTS mặt đất ở hầu khắp các địa phương trên cả nước. Không ai nói ra, nhưng mọi người đều hiểu đằng sau cuộc đua quyết liệt mở rộng vùng phủ sóng, tăng lượng khán giả chính là “chiếc bánh” quảng cáo đầy hấp dẫn.

Dù không phát sóng ra tận ngoài Bắc, HTV (TP.HCM) đã “nhờ” được sóng của TH Hải Phòng và Hà Tây quảng bá cho chương trình của mình. Khi game show “Vượt lên chính mình” được thực hiện tại phía Bắc, TH Hải Phòng và Hà Tây hỗ trợ HTV bằng cách huy động trang thiết bị hoặc bỏ thêm một chút kinh phí. Đổi lại, các đài này sẽ có toàn quyền phát chương trình “Vượt lên chính mình”. 

Các đài TH đều có nhiều cách “chiêu hiền đãi sĩ” riêng để thu hút những bình luận viên, biên tập viên, người dẫn chương trình… có tên tuổi, tài năng về đài mình, tạo dựng các chương trình mới.

Lôi kéo khán giả

Với chiến lược của một đài TH mang tính giải trí hướng đến khán giả trẻ, VTC đã có nhiều chương trình dù mới ra đời đã được các bạn trẻ, đặc biệt tại Hà Nội đón nhận nồng nhiệt. Có thể kể đến các chương trình âm nhạc nhạc như  “Lời muốn nói”, “Nốt nhạc trẻ”, “Trò chuyện cuối tuần”.

Điều làm nên sự khác biệt giữa “Nốt nhạc trẻ” của VTC và tạp chí MTV của VTV là ngoài những ca khúc thuộc bảng xếp hạng châu Âu, châu Mỹ, “Nốt nhạc trẻ” còn có cả bảng xếp hạng các ca khúc của Hàn Quốc, Trung Quốc được các bạn trẻ rất quan tâm. VTC1 còn có những chương trình đề cập đến những vấn đề rất trẻ trung như “Tôi 20”, “Cà phê tối”.

Trong năm nay, HTV cũng sẽ chuyển HTV1 thành một kênh truyền hình dành cho các Cty, siêu thị giới thiệu hàng hóa, sản phẩm. HTV1 sẽ phát sóng truyền hình số di động triển khai trên các phương tiện giao thông như taxi, xe bus.

Ông Huỳnh Văn Nam khẳng định các kênh truyền hình của HTV sẽ dần được chuyên nghiệp hoá, có kênh chuyên thể thao, ca nhạc, thương mại, phim truyện…

Đài này cũng bắt đầu thay thế hình thức game show bằng chương trình trò chơi tương tác với khán giả. “Vui cùng Hugo” dành cho thiếu nhi là chương trình đầu tiên áp dụng hình thức này.

VTV đang khẩn trương chuẩn bị mở thêm 2 kênh truyền hình: 1 kênh giải trí-văn hóa để “san tải” cho VTV3 đang trong tình trạng quá tải và đậm đặc chương trình trong những “giờ vàng” và 1 kênh phát riêng cho khu vực TP.HCM.

Ông Trần Đăng Tuấn – Phó TGĐ VTV - tiết lộ VTV đang phải nghiên cứu mở thêm vài game show nữa cho các đối tượng riêng như thiếu nhi, phụ nữ, chiến sỹ quân đội. Đề án cho ra đời một trò chơi truyền hình dành riêng cho chiến sỹ và người nhà của các chiến sỹ trên VTV được Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng rất ủng hộ.

Xã hội hóa truyền hình

Để có được những chương trình hấp dẫn, nhà đài buộc phải hợp tác với các đối tác dưới nhiều hình thức, từ tài trợ, tham gia sản xuất một phần hoặc toàn bộ chương trình, đặc biệt trong lĩnh vực giải trí.

Xuất hiện từ những năm đầu thập kỷ 90, việc xã hội hóa truyền hình này đã phổ biến đến mức quá nửa số chương trình của những đài TH lớn đều có mặt đối tác.

Theo ông Trần Đăng Tuấn - hiện VTV và một số đài TH lớn khác đang hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, không còn dựa vào ngân sách nữa nên việc xã hội hóa các hoạt động truyền hình là hết sức cần thiết.

Chỉ tính riêng trên sóng của VTV đã có đến gần 50 chương trình có sự tham gia của đối tác ngoài đài.

Hiện, đối tác có thể tham gia hợp tác thực hiện rất nhiều chương trình, trong đó có sản xuất phim truyền hình, tổ chức sự kiện xã hội… nhưng  lĩnh vực game show (trò chơi truyền hình) được đặc biệt chú ý bởi những chương trình này thường có số lượng người xem đông nhất.

Tất cả các game show đều có những “đại gia” đứng sau. Chương trình “Ai là triệu phú?” được E-Media hậu thuẫn bằng việc mua bản quyền của Celador (Anh) được sử dụng tại 105 quốc gia. Cty Việt Ba phối hợp dàn dựng sân khấu cho “Chiếc nón kỳ diệu”.

BHD cũng dàn dựng sân khấu cho game show “ở nhà Chủ nhật” và “Ai là ai” mới lên sóng cách đây ít lâu. Cty này còn tham gia thực hiện một phần “Trò chơi âm nhạc”, “Hãy chọn giá đúng”. “Những chuyện lạ VN” từ khi ra đời đã gắn với cái tên Power PR.

Trong số các chương trình hợp tác sản xuất, “Làm giàu không khó” phát vào 19h50 thứ Sáu hàng tuần trên VTV1 là chương trình chính luận đầu tiên được Hoàng Gia Media thực hiện từ khâu ý tưởng cho đến sản xuất thành một talk show hoàn chỉnh.

Dù bị nhận xét là khô khan, nhưng được quảng bá rầm rộ từ trước khi ra mắt khá lâu nên “Làm giàu không khó” đang là một trong những chương trình có số lượng khán giả rất lớn. Từ 5/1, chương trình “Thị trường 24G” do VTV hợp tác với VietnamNet TV đã được phát sóng trên VTV1 vào 18h50 hàng ngày.

Toàn bộ nội dung chương trình này do VietnamNet TV thực hiện và bán lại cho VTV. Được biết số tiền VTV phải trả cho một phóng sự dài 4 phút trong “Thị trường 24G” khoảng 5 triệu đồng.

Chương trình “Vui cùng Hugo”, trò chơi tương tác được các em thiếu nhi đặc biệt yêu thích phát trên HTV7 (Truyền hình TP.HCM) là do Cty Lasta hàng tháng trực tiếp mua bản quyền các trò chơi mới từ Cty Kantana.

Thừa nhận đã có một “sự cạnh tranh lành mạnh” giữa các đài trong khu vực, ông Nguyễn Đức Trường – Giám đốc Đài PT-TH Bình Dương (BTV) cho biết BTV đã hợp tác với khá nhiều đơn vị sản xuất game show: “Việt Nam quê hương tôi” được phối hợp thực hiện với Cty Quảng cáo Nhất; “Alô @ ngôi sao”, “Nhạc trẻ V-Pop” cùng Cty Thế giới Giải trí; hợp tác với GMGroup trong chương trình “Mi và những người bạn”.

BTV còn hợp tác với Trung tâm nghe nhìn TTXVN trong chương trình “Tin tức – Sự kiện – Nhân vật”…

Theo thống kê, hiện có khoảng 50 Cty đang hợp tác sản xuất chương trình truyền hình. Tuy có thời gian hoạt động chưa lâu, nhưng nhiều Cty đã trở thành các “đại gia” trong lĩnh vực tham gia hoạt động truyền hình.

Trong số này, ĐV được xem là một trong những Cty có doanh số cao nhất: 500 tỷ đồng năm 2005 từ hoạt động này. Theo giới quảng cáo, truyền thông, rất nhiều “đại gia” có sự hậu thuẫn rất lớn về tài chính của những tập đoàn nước ngoài.

Cty B. hiện đang “tung hoành” trong nhiều sân của nhà đài, trong đó có cả phim truyền hình được một tập đoàn truyền thông Singapore rót vốn. Đó cũng có thể là Cty mà chủ sở hữu của nó là người nhà của nhà đài. Nhờ mối quan hệ đặc biệt này mà Cty VB hiện đang là một trong những đối tác “ôm” nhiều chương trình nhất của các đài TH lớn.

Một hình thức hợp tác đang diễn ra không kém phần sôi động là các đơn vị đứng ra tài trợ cho chương trình, nhất là những chương trình ăn khách. Khán giả yêu thích “Đường lên đỉnh Olympia” đều đã quen thuộc với logo của tập đoàn LG (Hàn Quốc).

Đây được xem là một trong những sự hợp tác mang lại hiệu quả cao nhất giữa VTV và đối tác. Tuy nhiên, việc “chen chân” vào những chương trình tương tự không hề đơn giản. Hiện số lượng các Cty xin tài trợ nhiều đến mức VTV phải cho đấu thầu. 

Hy vọng rằng đây sẽ là cơ hội để truyền hình sẽ ngày càng phong phú hơn.

MỚI - NÓNG