Những kỳ nhân võ cổ truyền Quảng Ngãi - Kỳ cuối

Những kỳ nhân võ cổ truyền Quảng Ngãi - Kỳ cuối
TP - Chuyện giao đấu để giữ ngôi vị đệ nhất võ lâm minh chủ thì đã được nghe nhiều. Và tại Quảng Ngãi cũng từng có một trận giao đấu tương tự.

>> Kỳ trước

Những kỳ nhân võ cổ truyền Quảng Ngãi - Kỳ cuối ảnh 1
Trận thượng đài để đời của võ sư Tấn Hồng

Long - hổ giao đấu

Năm 1973, tỉnh Quảng Ngãi xôn xao về việc 2 võ sĩ thách đấu để so tài - đó là võ sư Tấn Hồng sẽ gặp võ sĩ kiêm lực sĩ Huỳnh Tây Đen. Cuộc thách đấu này được giới cá cược đỏ đen ném hàng đống tiền vào để đặt cược đối với võ sĩ thắng trận.

Có nhiều ý kiến khác nhau trước cuộc so tài này: Người ta lo ngại cho võ sĩ Huỳnh Tây Đen sẽ bị đánh bại. Bởi Tấn Hồng vốn là một cao thủ trong làng võ. Ông đã từng nhiều năm bôn ba học võ và thông thạo võ Tàu, võ Thái, võ cổ truyền; trình độ ứng chiến khi giao đấu rất linh hoạt và tài tình.

Còn có ý kiến lo ngại cho võ sư Tấn Hồng, bởi võ sĩ Huỳnh Tây Đen nặng hơn ông Hồng 6 kg. Vốn là học trò ruột của sư phụ Lâm Võ và cũng từng là võ sinh Taekwondo, ngoài trình độ quyền thuật, Huỳnh Tây Đen còn là một lực sĩ có cú đấm ngàn cân, cánh tay như cần cẩu có thể dễ dàng nhấc bổng đối thủ quật xuống sàn đài như voi nâng một gốc chuối.

Trong một số hội diễn võ thuật, võ sĩ kiêm lực sĩ Huỳnh Tây Đen đã biểu diễn công phu bằng cách dùng tay chém cong một thanh sắt lớn, đập gãy cả khúc gỗ. Người ta ví đòn cổ tay của võ sĩ này như 2 thanh xà beng bằng thép.

Không cần phải chờ đúng 15 giờ, tại sân vận động Diên Hồng, người hiếu kỳ và dân võ nghệ đã kéo đến xem đông nghịt. Trận đấu này được ví như long - hổ giao đấu.

Thi đấu theo thể thức võ tự do, các võ sĩ khi lên đài chỉ mặc độc chiếc quần đùi và bảo hiểm vùng hạ bộ.

Võ sĩ kiêm lực sĩ Huỳnh Tây Đen bước lên đài với cơ bắp cuồn cuộn, hai bờ vai dang rộng như hình chữ V, tung đòn đá như gió. Cả sân vận động reo hò, khi võ sĩ Huỳnh Tây Đen hai lần bị văng ra khỏi dây sàn đài làm cuộc giao đấu nóng lên như lửa. Nhưng cú phản đòn của võ sĩ Huỳnh Tây Đen cũng không kém khốc liệt đối với võ sư Tấn Hồng.

Trận đấu tạm dừng, vì 2 võ sĩ đều ngang tài ngang sức và nếu thi đấu kéo dài sẽ dẫn đến mất đi tinh thần võ đạo. Bởi trong giới võ thuật đã có một điều ước lệ rằng: Cao thủ trong làng võ không chỉ là giỏi quyền cước, mà còn phải có cống hiến cho xã hội và võ thuật.

Nhìn chung, võ trên đất Quảng Ngãi đã có những năm tháng lừng lẫy. Trải qua các thời kỳ, các võ sư đều gắn võ thuật với võ đạo: Đó là dùng võ để thể hiện tinh thần thượng võ của đất Quảng Ngãi. Dùng võ để giúp đời.

Các võ sư phần lớn đều mang võ đi phục vụ cách mạng để đánh đuổi kẻ thù, nung nấu cho thế hệ trẻ lòng yêu nước và căm thù giặc.

Võ sư Tấn Hoành từng bị địch bắt 24 lần vì bị chúng đưa vào sổ đen: Tội tiếp tay, dạy võ cho Cộng sản. Sau giải phóng thì nổi nhất là từ năm 1981 - 1995. Thời đó, cái danh võ sư, võ sĩ luôn được mọi tầng lớp nhân dân ngưỡng mộ và kính trọng.

Những kỳ nhân võ cổ truyền Quảng Ngãi - Kỳ cuối ảnh 2
Thế hệ tiếp nối của võ đường

Hiện nay, toàn tỉnh còn 30 câu lạc bộ võ thuật chính thức (chưa kể một số ít các lò nhỏ ở các huyện thị). Lò võ Đồng Tiến tại Nghĩa Dõng hiện nay đang hoạt động đều đặn nhất, 50 võ sinh thường xuyên tham gia luyện tập. Các lò khác rơi vào cảnh cầm chừng.

“Bác phải đi nắn gân cho họ cái đã; chờ anh bốc thuốc cho hàng xóm cái đã...”. Gặp và trò chuyện với các võ sư, câu chuyện luôn bị cắt ngang bởi những cuộc hẹn như vậy.

Võ sư Ngô Bông nổi tiếng trong giới võ cổ truyền ở Việt Nam, nhưng ông vẫn phải bon chen đi làm để kiếm sống ở cái tuổi gần 80. Gia tài của ông ngoài căn nhà, cung kiếm thì cũng chẳng có gì.

Hiện nay, các thầy võ dù yêu nghề nhưng vẫn phải lủng lẳng treo găng – nguyên nhân, các câu lạc bộ võ thuật không được hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên. Dạy võ sinh và thu tiền cao thì không thể. Chỉ độc một nghề võ không thôi thì không thể sống nổi.

Quảng Ngãi từng có nhiều võ sĩ vang danh trong quá khứ: Tấn Nhất Duy, Tạ Quang càn lướt các sàn đài trong toàn quốc, đánh đâu thắng đó. Hiện nay có: Tấn Đại Lực - trưởng bộ môn võ Đà Nẵng, Nguyễn Hùng - huấn luyện viên đội tuyển Boxing quốc gia, Bùi Phụ Sáu, Tá Phi Hoa - huy chương bạc Sea Games, Nguyễn Thị Hồng Ngoan - cô gái vàng Sea Games...

Hổ lâm trùng thế

“Con đừng đi học võ, nghề đó nguy hiểm lắm” - Võ sư Tấn Hồng nhớ như in người mẹ già năn nỉ, kéo áo người con trai. Tuy nhiên, ông vẫn thuyết phục người mẹ già để cất công đi tầm sư học võ.

Học võ thành danh vào năm 1963, võ sư Tấn Hồng (Nguyễn Hồng) được sư phụ thử thách bằng một công việc gai góc: Về Quảng Ngãi thượng đài, “dạy” cho một võ sĩ đã phạm lỗi với sư môn.

Nghe danh tiếng thầy Lê Quang Vị ở Huế, ông khăn gói lên đường ra Bắc. Sau một thời gian góp nhặt được những tinh hoa võ thuật, ông tiếp tục theo gánh Sơn Đông Mãi Võ của một võ sư nổi tiếng - đó là ông Minh Trình, Minh Cảnh.

“Con đường võ thì vô tận”. Với suy nghĩ đó, ông tiếp tục vào Sài Gòn học thầy Lưu Hòa Phát. Người thầy cuối cùng của ông, đó là một vị Đại sư đất Sài Gòn Gia Định vốn được người Tây khâm phục đặt cho danh hiệu là Kít Đăm Xây.

Có sẵn năng khiếu võ thuật, sau nhiều năm thụ đắc, cước pháp và quyền pháp của ông vừa có sức nặng, vừa huyền ảo, biến hóa khôn lường. Nhận thấy tố chất của người học trò đã hội đủ để hạ sơn, sư phụ của ông rỉ tai vài độc chiêu, đồng thời thử tài ông Hồng bằng một việc gai góc: “Nếu con muốn nổi danh thì về Quảng Ngãi thách đấu và phải thắng cho bằng được võ sĩ Nguyễn Thanh Hồng đang làm mưa làm gió tại đây”.

Nguyễn Thanh Hồng nguyên là học trò giỏi nhất của võ đường Kít Đăm Xây nhưng phạm lỗi với sư môn. Võ sĩ này từ Sài Gòn Gia Định về Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế…và đã “càn lướt”, đánh gục nhiều võ sĩ trên khắp các sàn đài.

Dân trong làng võ kháo nhau: Thằng cha võ sĩ này có đôi tay và đôi chân bằng sắt thép, đá móc hiểm ác như ngựa. Khi lên sàn đài, chỉ nghe một tiếng hự! Là võ sĩ đối diện đã bị lấy cả hàm răng, trẹo quai hàm, hộc máu mũi vì cú đá trời giáng của võ sĩ Thanh Hồng.

Đánh bại võ sĩ này không đơn giản, bởi hai võ sĩ trùng thế nhau, đồng thời võ sĩ Nguyễn Thanh Hồng còn là gạc đờ co (vệ sĩ) của tỉnh trưởng Nguyễn Văn Tất. Chính vì vậy, sư phụ của ông Hồng đã căn dặn: “Nếu xuất chiêu đánh kết thúc thì phải lủi xuống đài và “biến” khỏi Quảng Ngãi liền, nếu ở lại coi chừng bọn lính nó “lượm”.

Ở tỉnh Quảng Ngãi thời bấy giờ, đi đâu cũng nghe người ta nói chuyện võ, bỏ ăn bỏ ngủ cũng vì võ. Nghe có đấu võ, người dân nông thôn rùng rùng kéo cả làng đùm cơm đến xem. Các đấu trường võ ở Quảng Ngãi luôn dậy sóng vì một biển người cuồng nhiệt hết mức. Nghề thời thượng ở Quảng Ngãi lúc đó cũng chính là võ thuật.

“Võ sĩ Tấn Hồng xin thách đấu với võ sĩ Thanh Hồng” – thông tin trên được lan truyền rộng khắp đất Quảng Ngãi. Tại xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, trận đấu của hai võ sĩ này được giới võ thuật và dân chúng coi như một sự kiện lớn.

“Nếu đánh thắng thì coi chừng bọn lính bảo an xả súng bắn. Nếu đánh thua thì võ sĩ Thanh Hồng lại càng ra oai với dân Quảng” - nhiều người dân đã kháo nhau về trận đấu với kết cục hết sức ngặt nghèo như vậy.

Võ đài được bao bằng một hàng rào lính với súng lăm lăm trong tay. Chiếc xe ca mui trần của nhà binh đỗ xịch trước khán đài, võ sĩ Thanh Hồng bước xuống, ngước mắt nhìn với với vẻ tự tin trước một võ sĩ vô danh tiểu tốt. Mặc dù ông giấu gia đình, nhưng mẹ ruột của ông vẫn đu lên hàng rào, thò bàn tay vào quờ áo ông níu lại khóc lóc: “Chạy đi con, coi chừng nó đánh con chết!”.

Dưới khán đài, lực lượng hỗ trợ đã chuẩn bị lót ổ sẵn. Người xem vỗ tay không ngớt khi hai võ sĩ cùng xuất thân từ một lò xông vào cận chiến và ra đòn hết sức mãnh liệt.

Ầm... rắc! Võ sĩ Tấn Hồng tận dụng dáng người thấp, thân pháp nhanh như gió, ông liên tục luồn lách tung một lúc 3 đòn chân cộng với những cú chỏ lật nhằm vào tử huyệt chết người khiến võ sĩ Thanh Hồng phải lạnh toát và dè chừng.

Như hai con hổ quần nhau, tưởng chừng bất phân thắng bại. Cuối cùng, võ sĩ Thanh Hồng đã phải chịu đầu hàng trước một võ sĩ đến từ phương Nam.

Những kỳ nhân võ cổ truyền Quảng Ngãi - Kỳ cuối ảnh 3
Vinh danh võ sĩ Quảng Ngãi thắng trận

Trọng tài tuyên bố võ sĩ thắng. Tấn Hồng…Tấn Hồng! Cả rừng người reo hò bởi trong làng võ Quảng Ngãi lại xuất hiện thêm một cái tên. Còn phần võ sĩ Tấn Hồng, chưa kịp lau mồ hôi, ông lẩn nhanh vào rừng người đang tung hô nồng nhiệt, nhằm thẳng hướng quốc lộ để kịp đón xe vào Nam và không kịp ngoái nhìn.

MỚI - NÓNG