Chứng kiến bạn bè đồng trang lứa lần lượt làm đám cưới không khỏi khiến nhiều người trẻ độc thân cảm thấy vừa chạnh lòng, vừa áp lực. Ảnh: Phú Quang |
Lạc lõng
Vài tuần gần đây, Thanh Minh (28 tuổi, lập trình viên tại TPHCM) nhận được “cơn mưa” mời cưới vào cuối năm. Tiệc tùng đến ào ạt, bạn bè dần lập gia đình trong khi bản thân vẫn “đi sớm về khuya một mình”, anh chàng đôi lúc cảm thấy lạc lõng, chạnh lòng.
“Lướt mạng, tôi thấy mọi người đăng ảnh đi du lịch với người yêu, ra mắt nhà vợ sắp cưới, thậm chí có người đưa con đi nhà trẻ, tôi chẳng dám bình luận chúc mừng, vì sợ đối diện với câu hỏi bao giờ được cho ăn cỗ. Ngay cả khi tham gia các buổi tụ tập bạn bè, tôi cảm thấy khó kết nối hơn trước. Khi mọi người nói chuyện về cách giữ lửa hôn nhân, nuôi dạy con cái thì tôi không biết phải nói gì. Cảm giác như tôi đang ở một thế giới khác”, Minh bộc bạch.
Sau mỗi ngày tan ca, Minh tìm đến game và lướt mạng để giết thời gian. Từ một nam sinh hoạt bát, cán bộ năng nổ của lớp đại học, Minh dần ít nói, ngại giao du và khó khăn hơn trong việc kết nối cảm xúc với một ai đó. Thức khuya, hay đặt đồ ăn nhanh qua mạng là lý do khiến cân nặng của anh tăng nhanh, khó kiểm soát. Điều này càng làm Minh tự ti hơn mỗi khi đến nơi đông người.
Từng nghĩ có sự nghiệp vững chắc thì mọi thứ sẽ ổn, Minh thừa nhận việc đắm chìm trong công việc đã khiến anh lỡ dở nhiều cơ hội tình cảm. “Đến khi mọi thứ ổn định rồi, tôi lại cảm thấy thiếu thốn về mặt tình cảm. Tôi nặng trĩu mỗi khi nghĩ đến việc lấy vợ, sinh con”, Minh bày tỏ.
Không chỉ suy giảm sức khỏe thể chất, những suy kiệt về sức khỏe tinh thần cũng là vấn đề hội “ế lâu năm” đối diện. Có mặt trong hơn 10 nhóm chat trao đổi công việc, Phương Linh (29 tuổi, phụ trách nhân sự tại TPHCM) từ lúc mở mắt đến lúc chìm vào giấc ngủ không lúc nào rời khỏi màn hình điện thoại. Thậm chí, ngay lúc ăn trưa hay đi tắm, cô cũng phải thỉnh thoảng đưa mắt kiểm tra xem có tin nhắn của đồng nghiệp gửi tới hay không.
“Nhiều người tưởng tôi nhắn tin với người yêu nhưng đâu phải vậy. Thấy thông báo tin nhắn hay cuộc gọi nhỡ là tôi hoa mắt, mệt mỏi”, Linh kể về những biểu hiện đầu tiên của chứng rối loạn lo âu mà trước đây cô không hề biết đến.
Áp lực công việc đè nặng nhiều ngày, không cân bằng giữa việc kiếm tiền và chăm sóc bản thân, ngủ không sâu giấc, ít vận động là một trong những yếu tố khiến Linh suy kiệt.
“Áp lực đè nặng khiến tôi luôn trong trạng thái căng thẳng, dẫn đến tình trạng khó ngủ, thậm chí nếu ngủ được thì cũng mơ bị sếp mắng. Đó là một vòng luẩn quẩn chưa có lời giải. Kiếm tiền để có một cuộc sống tốt hơn, nhưng lại không còn đủ thời gian để sống đúng nghĩa. Tôi thèm cảm giác được yêu thương nhưng đã lâu rồi chưa có ai kề cạnh”, Linh bày tỏ.
Kết hôn muộn dần
Số liệu từ Cục Thống kê cho thấy độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại Việt Nam đang tăng rõ rệt, đặc biệt ở các đô thị và khu vực phát triển kinh tế. Năm 2023, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu cả nước là 27,2 tuổi, trong khi con số này vào năm 2021 là 26,2 và năm 1999 là 24,1. TPHCM ghi nhận mức tăng đáng kể, với độ tuổi kết hôn trung bình là 30,4 tuổi vào năm 2023, lần đầu tiên vượt mốc 30 tuổi. Trong vòng 5 năm, từ 2019 đến 2023, độ tuổi này tại TPHCM tăng từ 27,5 lên 30,4 tuổi, trung bình mỗi năm tăng 0,7 tuổi.
Xu hướng kết hôn muộn cũng thấy rõ tại các vùng có đô thị lớn và kinh tế phát triển. Năm 2023, tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở Hà Nội là 27,9 tuổi và Quảng Ninh là 27,4 tuổi, đều cao hơn mức trung bình quốc gia. Tại khu vực Đông Nam bộ, các tỉnh thành như Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai cũng phản ánh xu hướng này với độ tuổi kết hôn trung bình liên tục tăng qua từng năm.
Gia đình thúc giục
Có những người bạn thân để chia sẻ mỗi lúc buồn, có sở thích chơi cầu lông và đan len nên Thanh Nhàn (28 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) không cảm thấy cô đơn mà cho rằng một mình vẫn rất ổn. Tuy vậy, cô lại đối diện với áp lực từ chính ba mẹ của mình. Vài ngày gần đây, khi canh đặt vé máy bay về quê nghỉ Tết, Nhàn nhấc lên rồi lại đặt xuống vì nghĩ đến cảnh khi phải đối diện với họ hàng, người thân trước sự hối thúc tìm người yêu, lấy chồng, sinh con.
Cô ám ảnh vì gặp ai cũng bị hỏi “Bao giờ lấy chồng?”. Là gia đình tứ đại đồng đường, ngày Tết với gia đình Nhàn là chuỗi ngày tất bật lễ lạt, tiệc tùng. Không thể tránh mặt người thân, Nhàn luôn bị hối thúc, thậm chí mai mối dù nhiều lần cô thẳng thừng từ chối.
“Mẹ tôi từng bỏ ra vài triệu đồng tìm đến thầy bói cắt duyên âm vì nghĩ làm như vậy tôi sẽ nhanh chóng có người yêu. Biết chuyện, tôi nhất quyết cản nhưng mẹ không đồng ý. Kết quả là mẹ con tôi không nói chuyện với nhau một tuần. Dù biết mọi người hối thúc cũng vì yêu thương và lo lắng nhưng tôi không hề thoải mái với việc này”, Nhàn bày tỏ.
Giống như Nhàn, Ý Nhi (32 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng bị phụ huynh thúc giục cưới. Từ quê, mẹ của Nhi gọi điện nói cô sắp xếp công việc để về nhà xem mắt con một người bạn của bà. Nhi từ chối khéo với lý do bận việc và mâu thuẫn cũng từ đó mà ra. “Tôi nói là con chưa sẵn sàng hẹn hò, thế là mẹ mắng, nói tôi suy nghĩ nông cạn. Một câu chuyện nhưng mẹ cứ nói mãi, sau một hồi căng thẳng, tôi cúp máy và khóc ngon lành”, Nhi kể.
Chật vật tìm kiếm công việc sau khi ra trường, Nhi cho biết mức lương hiện tại của cô chỉ đủ sống, trả tiền nợ vay lúc học đại học và gửi biếu ba mẹ một ít mỗi tháng. Thời gian tới, cô còn muốn học thạc sĩ để nâng cao chuyên môn, nhằm tìm kiếm cơ hội thăng tiến cao hơn trong công việc. Nhi cảm thấy tài chính chưa vững vàng để lập gia đình song mẹ cô lại không nghĩ như vậy. Câu chuyện không đi đến hồi kết vì ai cũng có lý lẽ của riêng mình.
“Mẹ tôi so sánh với thời của bà 30 năm về trước. Bà bảo khi xưa không đủ ăn nhưng ba mẹ một nách 3 con, vẫn nuôi chúng tôi khôn lớn trưởng thành. Nhưng mẹ đâu hiểu rằng thời đại bây giờ đã khác xưa, không thể có chuyện một túp lều tranh hai quả tim vàng. Tôi không biết chia sẻ thế nào cho mẹ hiểu”, Nhi nói.