Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình:

Cần đổi mới tư duy về chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đánh giá nhiều bộ, ngành, địa phương chưa nhìn thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số. Do đó việc làm ngay là đổi mới tư duy, tăng cường nhận thức về lĩnh vực này.

Ngày 14/11, tại tỉnh Bình Dương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Diễn đàn Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II với chủ đề: "Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động".

Dự diễn đàn có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình; ông Thái Thanh Quý, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ước tính tỉ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%, năm 2024 dự kiến đạt 18,6% và sẽ đạt 20% vào năm 2025, đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tư tưởng chính của diễn đàn năm nay tập trung vào 2 định hướng là phát triển kinh tế số bằng thúc đẩy cả cung, cầu về kinh tế số, chương trình hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông với các bộ ngành để thúc đẩy phát triển kinh tế số các ngành, lĩnh vực. Ông cho rằng năng suất lao động luôn là chỉ tiêu mà nhiều năm, nhiều kỳ Đại hội, chúng ta chưa đạt được. Lời giải cho tăng năng suất lao động Việt Nam là ứng dụng công nghệ số, là chuyển đổi số toàn diện và toàn dân, là phát triển kinh tế số.

Cần đổi mới tư duy về chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số ảnh 1

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm số tại diễn đàn

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu dẫn chứng: "Nếu như 55 triệu người lao động Việt Nam, mỗi người có một trợ lý ảo hỗ trợ công việc thì năng suất lao động Việt Nam chắc chắn sẽ tăng. Người Trung Đông nói, của cải là do thời gian nhân với trí tuệ. Nếu trí tuệ con người được tăng thêm sức mạnh bởi sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) thì của cải, cũng có nghĩa là năng suất lao động sẽ tăng lên đáng kể”.

Đổi mới tư duy về tầm quan trọng của chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được chúng ta phải thắng thắn, nhìn nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cần phải tiếp tục được đẩy mạnh tháo gỡ trong thời gian tới.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số nhiệm vụ trọng tâm; kinh tế số, hạ tầng số phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng; phát triển dữ liệu số chưa khắc phục được tình trạng "manh mún, cát cứ thông tin, chia cắt, co cụm dữ liệu"; công tác an ninh mạng, an toàn thông tin nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa đạt mục tiêu đề ra; nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều; công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội còn nhiều bất cập, chưa thường xuyên, liên tục, trọng tâm, trọng điểm;…

“Để công cuộc chuyển đổi số quốc gia phát triển hiệu quả, thực chất đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực. Phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức, hành động phù hợp điều kiện thực tiễn cùng với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi vượt trội; xây dựng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.

Cần đổi mới tư duy về chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số ảnh 2

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại diễn đàn

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị cần tập trung vào 4 lĩnh vực ưu tiên chính: Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; số hóa các ngành kinh tế gắn với tăng năng suất lao động xã hội, sản lượng, quản lý và đổi mới sáng tạo; quản trị số; phát triển dữ liệu số. Các bộ, cơ quan liên quan, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trước hết là đổi mới tư duy, tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.

“Tập trung phát triển công nghệ số, dữ liệu số chất lượng cao; đồng thời chú trọng phát triển các lĩnh vực mới, như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật…; đẩy mạnh tích hợp vào tất cả các hệ thống thông tin, các ứng dụng số, để cộng đồng doanh nghiệp, người dân được tiếp cận, ứng dụng công nghệ số và dữ liệu số nhanh nhất, rẻ nhất, tiện lợi nhất, an toàn nhất và hiệu quả nhất. Đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển và ứng dụng các sản phẩm công nghệ số "Make in Viet Nam" với giá thành rẻ hơn, tốt hơn, dễ tiếp cận hơn. Sản phẩm "Make in Viet Nam" phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, tạo năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm số”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Cần đổi mới tư duy về chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số ảnh 3

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình và các đại biểu nghe doanh nghiệp trình bày về sản phẩm công nghệ số

Báo cáo cho thấy, cả nước với 51.000 doanh nghiệp công nghệ số đã tạo ra 1,5 triệu việc làm; doanh thu công nghiệp công nghệ số trong 9 tháng ước đạt 118 tỷ USD, tăng 17,8%; doanh thu từ hoạt động phần mềm và dịch vụ số là 6,64 tỷ USD, tăng 9,9%; xuất khẩu các sản phẩm công nghệ số 9 tháng ước đạt 100,8 tỷ USD, tăng 18,3%; nhiều dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất, lắp ráp với giá trị hàng tỷ USD…

MỚI - NÓNG
Vụ xe cẩu cắm đầu xuống mương tránh ô tô 16 chỗ vượt ẩu: Giây phút quyết định sự sống còn của lái xe
Vụ xe cẩu cắm đầu xuống mương tránh ô tô 16 chỗ vượt ẩu: Giây phút quyết định sự sống còn của lái xe
TPO - "Sau khi nghe tiếng nổ, chạy ra và thấy người lái xe bị mắc kẹt trong ca bin ô tô gặp nạn đang giơ tay lên như kêu cứu, tôi liền hô hào người dân xung quanh đến cậy cửa giải cứu tái xế,... rất may nạn nhân còn sống”, chị Hà Thị Chiên – nhân chứng vụ tai nạn kể lại.