Clip: Làng nghề rèn dao truyền thống ở Ngan Dừa (huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) |
Nghề rèn Ngan Dừa (Bạc Liêu) đã có tuổi trên trăm năm nay nổi tiếng với nhiều sản phẩm nông cụ như: Dao, búa, phảng, liềm... Nhiều thợ rèn kỳ cựu nơi đây cũng không biết chính xác nghề đã có từ khi nào và ai là tổ của nghề. |
Ở thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân hiện nay còn hơn chục lò rèn, trong đó có 5 lò hoạt động xuyên suốt. Ngày xưa, để tạo ra được con dao, 3 -5 người phải đập, quết rất kỳ công, tỉ mỉ đến từng công đoạn. |
Hầu hết người dân làng rèn nơi đây chuyển dần từ làm thủ công sang máy móc. Những chiếc máy dập thép được đầu tư tạo năng suất cao hơn. |
Gia đình anh Quách Văn Nguyên (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) đã duy trì nghề rèn qua 4 thế hệ. Tuy được hỗ trợ bằng máy móc, nhưng nghề rèn vẫn rất cơ cực và trên tất cả là phải có tâm, yêu nghề mới bám trụ được. |
“Nghề này gia truyền qua nhiều đời, như cái gốc của Ngan Dừa nên mình phải biết trân trọng giữ gìn và nối nghiệp. Nếu muốn làm ra sản phẩm phải trải qua mấy chục công đoạn, nên ở 63 tỉnh, thành cả nước chắc không ai làm đâu, bởi nghề này cực lắm”, anh Nguyên tâm sự. |
Nghề rèn quan trọng ở khâu chọn nhiên liệu, loại thép, và phải trải qua nhiều công đoạn nhưng không theo khuôn mẫu hay chuẩn mực nào, hầu như chỉ dựa vào kinh nghiệm của người trước để lại. |
Ông Trần Văn Tân gắn bó với nghề rèn khoảng 40 năm. Ông Tân từng chuyển máy búa, lò than, máy mài xuống ghe đi xuôi ngược khắp các con sông lớn nhỏ từ Bạc Liêu xuống Cà Mau, Kiên Giang rồi Hậu Giang,… |
“Hiện nay, mỗi ngày lò của tôi rèn khoảng 15-20 chiếc dao loại mỏng và khoảng 10 dao loại dày. Thu nhập trung bình mỗi ngày cũng từ vài trăm nghìn, giúp gia đình có thu nhập ổn định, đủ sống chứ không đến nỗi giàu có”. |
Làm rèn là phải thường xuyên tiếp xúc với lửa nóng, nên đòi hỏi người thợ phải có sức vóc và đôi tay khéo léo, đôi mắt tinh anh và sự kiên nhẫn. |
Ông Trương Văn Thuận – Chủ tịch thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) cho biết, vào thời hưng thịnh nghề rèn dao có khoảng 25 hộ, nhưng hiện nay còn 14 hộ gắn bó với nghề. Dao Ngan Dừa “tôn trọng chữ tín” hàng đầu nên vẫn luôn có khách đến đặt hàng. |
“Thời gian tới, địa phương có định hướng vận động bà con làm sản phẩm OCop, thành lập hợp tác xã để quảng bá thương hiệu dao Ngan Dừa. Xã cũng quảng bá các thương hiệu thông qua các kênh tiktok, zalo,… và quảng bá gắn với các tour du lịch nghề truyền thống”, ông Thuận chia sẻ. |
Tuy vẫn còn đó không ít khó khăn, trải biết bao thăng trầm của đời sống nhưng làng nghề rèn ở Ngan Dừa, vẫn được gìn giữ qua bao thế hệ, truyền nghề cho con cháu để nghề của tổ tiên không mai một. |