Nhìn từ màn check VAR sao kê, lối sống 'phông bạt' sẽ khiến người trẻ đánh mất mình

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trước sự việc cộng đồng mạng đang xôn xao từ hơn 12 nghìn trang sao kê của Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các chuyên gia tâm lý, tâm lý giáo dục, luật đã đưa ra một số phân tích, quan điểm, đánh giá về lối sống "phông bạt, sống ảo" của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Vừa qua, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam công bố sao kê hơn 12.000 trang ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão số 3 (bão YAGI) từ ngày 1/9 đến 10/9, một số bạn trẻ, hot TikToker đã bị điểm tên bởi lợi dụng chiêu trò chỉnh sửa ảnh để tăng thêm số 0, khoe ủng hộ hàng chục, trăm triệu đồng.

Một trong những cá nhân bị chỉ trích - bạn N.V.A (người sáng tạo nội dung, có 1,3 triệu người theo dõi trên TikTok) đã đăng video giải trình, thừa nhận và xin lỗi trên mạng xã hội sau khi bị dân mạng chỉ trích "làm màu". Ngoài N.V.A, cộng đồng mạng đã chỉ ra một số KOLs khác như P.N.P (có 1,2 triệu người theo dõi trên TikTok) cũng chỉnh sửa, photoshop tiền ủng hộ thêm số 0, sau đó làm mờ nhưng vẫn để lại dấu hiệu trên đỉnh đầu các con số...

Góp 1 khoe 10

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An (Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM) nhìn nhận, thông qua kết quả sao kê, có thể thấy 2 trường hợp được cộng đồng mạng đặc biệt chú ý: Thứ nhất là những người "góp 1, khoe 10" và thứ hai là những dòng nhắn rất dễ thương từ các bạn học sinh, sinh viên với số tiền góp dù "ít, nhưng đây là những gì mà con có".

Hai nhóm trên tạo ra cảm xúc đối lập, nhưng chủ yếu đến từ mục đích thật sự của người đó với việc quyên góp, từ thiện. Một bên nhận thấy tiềm năng đánh bóng tên tuổi từ mạng xã hội vì những thông tin liên quan đến thiên tai dễ dàng được viral, chú ý từ mọi người. Mặt khác, đặc trưng thông tin của mạng xã hội khó kiểm chứng, do đó chỉ cần một số thủ thuật chỉnh sửa đơn giản có thể đổi trắng thay đen, và người dùng tiếp nhận chúng một cách không có phản biện. Thông qua hành động "phông bạt" này, họ chỉ cần bỏ một số tiền rất ít nhưng thu về được nhiều lời tán dương, khen ngợi nhằm nâng cao hình ảnh bản thân trong mắt công chúng.

Ngoài ra, hóc môn gây hưng phấn và cảm thấy hạnh phúc cũng được kích hoạt khi nhận được nhiều sự ghi nhận, tán dương, nhiều lượt tương tác từ mọi người. Điều này tạo ra một nguồn động lực để những cá nhân tìm đủ cách để đạt được nhiều like, bình luận, kể cả điều này vi phạm chuẩn mực đạo đức, thậm chí là vi phạm pháp luật", chuyên viên tâm lý đánh giá.

Nhìn từ màn check VAR sao kê, lối sống 'phông bạt' sẽ khiến người trẻ đánh mất mình ảnh 1
Thừa nhận về hành động của mình, nam thanh niên này đã đăng video xin lỗi trên TikTok và gửi tin nhắn tới fanpage Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Mượn hành động "tương trợ nghĩa hiệp" để đánh bóng

Khi lối sống "phông bạt" hiện nay của nhiều bạn trẻ bắt nguồn từ sự tập nhiễm mạng xã hội, TS. Tâm lý học Giang Thiên Vũ - Giảng viên Đại học Sư phạm TPHCM, cho rằng, đây là một tín hiệu cảnh báo chúng ta về vấn đề tiếp thu không có chọn lọc các trào lưu từ mạng xã hội, và các hệ lụy kéo dài, trong đó có sự vô cảm, vô tâm và chỉ biết nghĩ cho chính mình trong bối cảnh miền Bắc đang chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Chuyên gia tâm lý cho rằng, sự kỳ vọng và mong muốn đánh bóng tên tuổi bản thân, hay còn gọi là PR xây dựng hình ảnh bản thân trên mạng xã hội là một việc làm tốt nếu nó phục vụ những nhu cầu chính đáng đang và được xã hội chấp nhận, ủng hộ.

Tuy nhiên, việc thay đổi danh tính hay photoshop các dữ liệu mang tính cống hiến để đánh bóng tên tuổi bản thân hòng mục đích chiêu dụ, kích thích người khác sử dụng hàng hóa, dịch vụ của mình lại là một hành vi mang tính phê phán. "Mạng xã hội có thể đưa bạn lên rất nhanh nhờ những hành động "tương trợ nghĩa hiệp", và cũng có thể dìm bạn xuống một cách khủng hoảng nếu phát ngôn sai một từ, hoặc đưa ra những thông tin không chính thống", TS. Giang Thiên Vũ chia sẻ.

Chuyên gia cũng đánh giá thêm, trong bối cảnh công nghệ phát triển, mặt trái của nó chính là sự việc này, khiến chuẩn mực đạo đức của con người đã bị suy giảm. Theo chuyên gia, lòng tham đã làm các bạn trẻ ngày nay thay đổi tư duy theo hướng chỉ biết bản thân mình và sẵn sàng hạ thấp các giá trị xung quanh để đưa tên tuổi của mình lên trước. Điều này không chỉ thể hiện mặt trái của phát triển công nghệ, mà còn cần sự quan tâm hơn từ giáo dục gia đình và nhà trường.

Mạo danh nhằm hạ uy tín cá nhân, tổ chức

Dưới góc nhìn về luật, TS. Trần Thị Thanh Mai - giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, đối với hành vi sửa đổi, giả mạo chứng từ chuyển tiền, hoặc gian dối để trục lợi, chiếm đoạt số tiền từ thiện được xác định là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi thì người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.

Nhưng, cũng không loại trừ trường hợp một số đối tượng lợi dụng việc sao kê minh bạch của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để mạo danh cá nhân, tổ chức chuyển số tiền ít hơn thực tế nhằm hạ uy tín của cá nhân, tổ chức.

Đối với trường hợp cá nhân có bỏ tiền của mình để đóng góp ủng hộ đồng bào miền Bắc nhưng có hành vi sửa đổi, giả mạo thông tin về số tiền ủng hộ đăng tải trên mạng xã hội, hiện chưa có quy định trực tiếp để xử phạt hành vi này.

Tuy nhiên nếu hành vi chỉnh sửa, đăng thông tin sai sự thật nói trên lên mạng xã hội gây khó khăn cho đơn vị tiếp nhận, ảnh hưởng đến hoạt động thống kê tiền từ thiện, gây ra dư luận xấu thì người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất mức độ vi phạm,

"Như vậy, ngoài việc kêu gọi tiếp nhận từ thiện thì các cơ quan, tổ chức, đoàn thể cũng cần tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động thiện nguyện, nâng cao ý thức của người dân trong việc tuân thủ pháp luật trong tổ chức hoạt động từ thiện và tham gia đóng góp thiện nguyện", TS. Trần Thị Thanh Mai nói.

MỚI - NÓNG