Rơi nước mắt trước nghị lực phi thường của nữ nhà văn bị liệt nửa người

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Câu chuyện truyền cảm hứng về hành trình vượt lên sự khắc nghiệt của nữ nhà văn bị liệt nửa người Nguyễn Phương Thúy (phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) đã xuất sắc đoạt giải Đặc biệt cuộc thi viết "Vượt lên số phận" lần thứ VII, năm 2024.

Ngày 1/11, Tạp chí Thanh niên phối hợp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổng kết, trao giải cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VII nhân dịp kỷ niệm 62 năm Ngày thành lập Tạp chí Thanh niên (15/10/1962 – 15/10/2024).

Dự chương trình có chị Nguyễn Phạm Duy Trang – Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư.

Rơi nước mắt trước nghị lực phi thường của nữ nhà văn bị liệt nửa người ảnh 1

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang – Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư tặng hoa chúc mừng Tạp chí Thanh niên nhân kỷ niệm 62 năm Ngày thành lập. Ảnh: Bảo Anh

Cuộc thi viết “Vượt lên số phận” nhằm tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh và nhân rộng những gương thanh thiếu niên, những người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn nuôi dưỡng ý chí mãnh liệt, khát khao vượt lên số phận khắc nghiệt.

Năm nay, Ban tổ chức cuộc thi nhận được gần 1.000 bài dự thi từ khắp mọi miền đất nước, với nhiều câu chuyện truyền cảm hứng. Đó là hành trình vượt khó của chị Nguyễn Phương Thúy (phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), mắc bạo bệnh về xương từ năm 12 tuổi, mất khả năng vận động toàn thân, suy giảm 95% sức khỏe. Chị viết trong bài dự thi: “Dù còn nhỏ, có lúc đã khóc thảm thiết vì quá đau đớn, có lúc tủi thân lặng lẽ rơi lệ, nhưng khi ấy, tôi đã biết suy nghĩ, nhận thức được hoàn cảnh, đau đáu khôn xiết tìm cách để chiến thắng nghịch cảnh”. Bằng nghị lực phi thường vượt qua nghịch cảnh, hiện Phương Thúy (bút danh Viên Nguyệt Ái) là nhà văn, Hội viên Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, đã xuất bản 10 đầu sách, được nhận 33 giải thưởng, bằng khen, giấy khen các cấp.

Rơi nước mắt trước nghị lực phi thường của nữ nhà văn bị liệt nửa người ảnh 2

Trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ người khuyết tật và và trẻ mồ côi Việt Nam”. Ảnh: Bảo Anh

Bài dự thi “Tin vào ngày mai tươi sáng” của chị Lê Thị Hà (quận Hà Đông, TP Hà Nội) mang đến nhiều cảm xúc cho người đọc. Ngày 8/3 cách đây không lâu, tai nạn giao thông khiến chị gãy 3 đốt sống lưng, đứt tủy, dập nát cánh tay trái, gãy 6 xương sườn và phải cắt bỏ lá lách. Chị bị liệt nửa người, phải gắn bó vĩnh viễn với chiếc xe lăn trong quãng đời còn lại. “Sau chuỗi ngày u ám, tôi may mắn gặp gỡ với thầy giáo dạy văn cấp 3, khiến bản thân thay đổi tích cực hơn. Tôi quyết tâm vực lại tinh thần, sẽ sống tốt như lời thầy dạy bảo. Thầy như ánh sáng cuối đường hầm để rọi chiếu con đường tăm tối tôi đang mò mẫm đi”, chị Hà kể.

Từ đó, chị sống cởi mở hơn, với kiến thức được học, chị bắt đầu dạy con và những đứa trẻ gần nơi ở môn tiếng Anh, tham gia Trung tâm hỗ trợ sống độc lập của người khuyết tật Hà Nội, trở thành một tham vấn viên hơn 10 năm, giúp nhiều người khuyết tật thoát ra khỏi cái bóng của chính mình, cởi bỏ sự tự ti. “Có thể mỉm cười mỗi sớm mai thức dậy, sống lạc quan, tự tin, tôi đã phải nỗ lực cố gắng và vượt qua những “nỗi đau” mỗi ngày. Và đặc biệt, tôi tin vào ngày mai tươi sáng” là những dòng chia sẻ truyền cảm hứng của chị Lê Thị Hà.

Rơi nước mắt trước nghị lực phi thường của nữ nhà văn bị liệt nửa người ảnh 3
Chị Nguyễn Phạm Duy Trang – Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư trao giải Đặc biệt cho chị Nguyễn Phương Thúy. Ảnh: Bảo Anh

Bên cạnh bài dự thi do chính người khuyết tật viết về bản thân, còn có những bài cuốn hút, xúc động từ những tác giả viết về người khuyết tật. Tiêu biểu như bài “Cây xanh vươn trên đá cằn” của tác giả Trần Hiền kể về câu chuyện anh Võ Đức Đăng (thôn Đùng Hói Bàu, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Đó là hành trình gian nan vất vả từ lúc sinh ra đã không có cha đến tuổi trưởng thành lại mắc căn bệnh động kinh dạng hiếm gặp. Nhưng bệnh tật không làm anh vơi bớt khát khao học tập, nỗ lực đã được đền đáp khi đỗ nguyện vọng một vào trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị, ngành sư phạm Toán.

Chàng trai mồ côi bệnh tật năm xưa, nay đã là một người cha, một người chồng mẫu mực, một người con có hiếu, lan toả lối sống thiện lương cách lương thiện, cống hiến.

Rơi nước mắt trước nghị lực phi thường của nữ nhà văn bị liệt nửa người ảnh 4

Các giải thưởng được trao tại chương trình. Ảnh: Bảo Anh

Tại lễ tổng kết, Ban tổ chức đã trao 1 giải Đặc biệt, 1 giải A, 3 giải B, 5 giải C và 3 giải Khuyến khích. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn trao 1 Giải thưởng nhân vật truyền cảm hứng và 1 giải thưởng tác động nhằm tôn vinh câu chuyện có sức ảnh hưởng đặc biệt đến cộng đồng.

Giải Đặc biệt của cuộc thi được trao cho chị Nguyễn Phương Thúy (phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), với tác phẩm "Tin vào những điều tốt đẹp". Chị Phương Thúy cũng đồng thời đoạt Giải thưởng nhân vật truyền cảm hứng.

Cũng tại chương trình, Tạp chí Thanh niên ký kết với Công ty phát hành báo chí T.Ư phát hành tạp chí in trên nền tảng số. Tạp chí Thanh niên cũng ký kết tuyên truyền lý luận, khoa học các trường ĐH với Vụ Giáo dục (Ban Tuyên giáo T.Ư); ký kết hợp tác khoa học với Trường Đại học Điện lực...

Trong khuôn khổ chương trình, Tạp chí Thanh niên trao học bổng cho sinh viên vượt khó học giỏi; trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ người khuyết tật và và trẻ mồ côi Việt Nam”.

MỚI - NÓNG
Làng cây cảnh lớn nhất miền Bắc hối hả vào vụ tết
Làng cây cảnh lớn nhất miền Bắc hối hả vào vụ tết
TPO - Sau cơn bão Yagi và đợt lũ lụt lịch sử vừa qua, làng hoa cây cảnh Văn Giang (Hưng Yên) gánh chịu thiệt hại nặng nề, khiến hàng trăm hộ dân lao đao. Dù vậy, người dân vẫn nỗ lực xoay xở bằng cách trồng cây ngắn ngày và nhập hoa từ nơi khác, quyết tâm không để vụ hoa Tết năm nay trôi qua trong ảm đạm.