Tấn công Yemen khiến ông Biden đứng trước nhiều rủi ro chính trị

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cuộc không kích của Mỹ và Anh nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen đánh dấu sự leo thang đáng kể trong xung đột ở Trung Đông, dù chính quyền của Tổng thống Joe Biden rất nỗ lực trong những tuần gần đây nhằm ngăn chặn chiến tranh lan rộng.
Tấn công Yemen khiến ông Biden đứng trước nhiều rủi ro chính trị ảnh 1

Cuộc tấn công của Mỹ và Anh vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen ngày 11/1. (Ảnh: CNN)

Cuộc tấn công diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa chính trị sâu sắc, khi ông Biden đang tăng cường chiến dịch vận động tái tranh cử và bị đảng Cộng hòa chỉ trích gay gắt về kỹ năng lãnh đạo toàn cầu và chính sách đối ngoại, đặc biệt là từ đối thủ nặng ký - cựu Tổng thống Donald Trump.

Dù cuộc tấn công không gây ngạc nhiên sau khi Washington liên tục đưa ra cảnh báo trong những ngày gần đây, nhưng chúng diễn ra 1 ngày sau khi các ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Ron DeSantis và Nikki Haley chỉ trích Tổng thống Biden hành động quá chậm để bảo vệ lực lượng và tài sản của Mỹ ở Trung Đông.

Houthi đã thực hiện nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào tàu hàng trên Biển Đỏ, tuyến đường thủy đóng vai trò quan trọng chiến lược đối với nền kinh tế toàn cầu, nhằm gây sức ép lên Mỹ và Israel vì cuộc xung đột ở Dải Gaza.

Dù chính quyền Tổng thống Biden cố gắng tránh bị cuốn vào một cuộc xung đột mới ở Trung Đông, đặc biệt khi lực lượng Mỹ đồn trú ở Iraq và Syria đang ở trong tầm tấn công, nhưng có vẻ Washington nhận thấy tình hình đã đến mức họ không thể không hành động.

Yêu cầu của Nhà Trắng rằng Houthi phải dừng tấn công đã bị phớt lờ. Uy tín và sức mạnh của Mỹ trong khu vực đang bị đe dọa và có vẻ nước này nhận thấy cần thiết lập lại một số hình thức răn đe.

“Những cuộc tấn công có chủ đích này là thông điệp rõ ràng, rằng Mỹ và các đối tác sẽ không tha thứ cho những cuộc tấn công nhằm vào lực lượng của chúng tôi hoặc đe dọa quyền tự do hàng hải ở một trong những tuyến đường thương mại quan trọng nhất thế giới”, Tổng thống Biden tuyên bố.

“Tôi sẽ không ngần ngại chỉ đạo triển khai các biện pháp tiếp theo để bảo vệ người của chúng tôi và lưu thông của thương mại quốc tế khi cần thiết”, ông nói.

Lý do quan trọng dẫn đến hành động của Mỹ là mong muốn thiết lập khả năng răn đe để ép Houthi, quan trọng hơn là Iran, lùi bước, như vậy mới tránh được sự leo thang nguy hiểm hơn.

Theo các nhà phân tích, trong một môi trường cực kỳ khó đoán, với Israel và tài sản của Mỹ nằm trong tầm tấn công của các nhóm thân Iran, nguy cơ trả đũa và chiến tranh lan khắp khu vực là điều nguy hiểm dễ xảy ra. Lịch sử gần đây cho thấy Mỹ có năng lực hạn chế trong việc đưa ý chí của họ vào Trung Đông.

Tấn công Yemen khiến ông Biden đứng trước nhiều rủi ro chính trị ảnh 2

Lực lượng Houthi ở Yemen. (Ảnh: Reuters)

Những lựa chọn khó khăn

Với những nguy cơ đó, hành động tấn công vào Yemen tối 11/1 cho thấy Tổng thống Biden đứng trước những lựa chọn khó khăn, vào thời điểm chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử vào cuối năm nay ở Mỹ đang bước vào giai đoạn quyết liệt hơn.

Đảng Cộng hòa gắn việc Tổng thống Biden không điều khiển được tình hình với vấn đề tuổi tác, từ đó cho rằng nhà lãnh đạo 81 tuổi không phù hợp để làm tiếp nhiệm kỳ 2.

Cựu Tổng thống Trump vẽ ra viễn cảnh nhân loại đứng bên bờ vực chiến tranh thế giới thứ ba, để cho rằng ông là người đủ mạnh mẽ để lập lại trật tự.

Một vấn đề nhạy cảm khác với Tổng thống Biden là ông ra lệnh tấn công vào thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vẫn đang nằm viện, sau biến chứng vì ca phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt.

Ông Austin đang là tâm điểm của cơn bão chính trị sau khi có thông tin rằng ông đã vào Trung tâm Quân y quốc gia Walter Reed 3 ngày trước khi Nhà Trắng được thông báo, dẫn đến những chỉ trích rằng ông đặt an ninh quốc gia vào tình thế nguy hiểm.

Những diễn biến đáng báo động ở Trung Đông cho thấy nhiều thách thức đặc biệt mà một ứng cử viên đương nhiệm đang phải đối mặt.

Trong khi các đối thủ tương lai của ông Biden không phải chịu trách nhiệm trực tiếp, đương kim tổng thống Mỹ phải tính đến những tác động địa - chiến lược và nhân đạo trong bất kỳ hành động nào. Đôi khi điều đó có nghĩa là phải hành động vì lợi ích quốc gia dù có thể gây tổn hại đến lợi ích chính trị của họ.

Và nếu các cuộc tấn công có hiệu quả, Tổng thống Biden sẽ được tín nhiệm nhiều hơn vì đã ổn định tình hình. Ngược lại, tình hình leo thang nguy hiểm có thể đe dọa sinh mệnh chính trị của ông.

Ông Biden cũng không thể không tính đến khả năng Mỹ phải can dự sâu hơn vào xung đột ở Trung Đông, khiến ông gặp rắc rối với chính các thành viên cùng đảng Dân chủ.

Nhiều thành viên đảng Dân chủ tiến bộ đã thất vọng khi ông Biden duy trì ủng hộ Israel, dù hàng ngàn thường dân Palestine thiệt mạng trong các cuộc tấn công ở Dải Gaza. Có những dấu hiệu cho thấy liên minh tranh cử của ông Biden đang rạn nứt, khi nhiều cử tri trẻ tuổi và người Mỹ gốc Ả-rập tại các bang chiến địa chỉ trích gay gắt cách Israel tấn công người Palestine.

Hàm ý trong những tuyên bố của ông Biden và các quan chức cấp cao của Mỹ là cuộc tấn công ngày 11/1 có thể chưa phải hành động cuối cùng của Washington đối với Houthi.

Nếu đúng như vậy, sự cân nhắc phức tạp về an ninh quốc gia và lợi ích chính trị sẽ khiến ông Biden rất vất vả khi thuyết phục cử tri rằng ông là lựa chọn tốt nhất để bảo vệ an toàn cho nước Mỹ trong nhiệm kỳ 2.

Theo CNN
MỚI - NÓNG