Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và nhiều nội dung quan trọng khác. Trong đó, nguồn lực cải cách tiền lương và các chế độ chính sách cho cán bộ, công chức cơ sở là vấn đề được các đại biểu quan tâm.
Liên quan đến vấn đề kỷ luật quản lý tài chính ngân sách, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo; hạn chế tối đa ứng trước dự toán ngân sách, hạn chế tối đa chuyển nguồn, đảm bảo các quỹ tài chính ngoài ngân sách hoạt động hiệu quả.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi). Ảnh Như Ý |
Về phân bổ vốn, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị làm rõ nguyên nhân của việc chậm trình Quốc hội phân bổ nhiệm vụ chi 70 nghìn tỉ đồng, trong đó nhiều nhiệm vụ chi liên quan đến chính sách con người.
Đại biểu đoàn Quảng Ngãi cũng đề nghị phân tích nguyên nhân đầy đủ trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội thấp hơn định mức phân bổ chi thường xuyên để có giải pháp quản lý ngân sách.
Liên quan đến chính sách tiền lương, đại biểu Lan đề nghị Chính phủ báo cáo nguồn lực tổng thể việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương giai đoạn 2024 – 2026, dự báo đến năm 2030, trong đó đại biểu lưu ý, cần đặc biệt quan tâm đến chính sách tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức cấp cơ sở, cán bộ phường, thị trấn, thôn bản.
Chính sách cho cán bộ dôi dư chưa giải quyết xong
Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cũng đề nghị Chính phủ xem xét nghiên cứu bố trí ngân sách đảm bảo ổn định chế độ cho các lực lượng ở cấp cơ sở.
Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, đại biểu đồng tình với chủ trương tăng bổ sung cân đối ngân sách địa phương; chủ trương này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn ở địa phương.
Tuy nhiên theo ông Nam, trong giai đoạn ngân sách 2022-2025, một số chính sách do trung ương ban hành chưa kịp bố trí trong sách địa phương ngay trong đầu giai đoạn ổn định ngân sách, dẫn đến việc ngay sau khi chính sách có hiệu lực thi hành, các địa phương phải sử dụng nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ khác để kịp thời chi trả chế độ cho đối tượng phù hợp.
“Đến nay một số chính sách, chế độ mới do trung ương ban hành và thực hiện làm tăng chi ngân sách địa phương rất lớn”, đại biểu đoàn Phú Thọ nói.
Theo đại biểu, điều này trở thành áp lực rất lớn cho các địa phương. Ông viện dẫn, chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, có không quá 3 chức danh, gồm: bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc tổ trưởng ban công tác mặt trận được hưởng phụ cấp hàng tháng. Ngân sách trung ương đã xây dựng mức khoán để đảm bảo 3 chức danh này.
Đối với các chức danh còn lại như: thôn đội trưởng, công an viên, y tế thôn bản, ban bảo vệ dân phố, đội trưởng, đội phó dân phòng không thuộc chức danh người hoạt động không chuyên trách ở khu dân cư. Tuy nhiên, các văn bản quy định chế độ chính sách của các chức danh này đang còn hiệu lực.
“Để đảm bảo ổn định chế độ chính sách cho các lực được Chính phủ quy định, văn bản đang còn hiệu lực, ngân sách địa phương đang phải bố trí để duy trì, nhằm ổn định an ninh trật tự ở cấp xã và khu dân cư”, ông Nam nói.
Đặc biệt về chính sách tăng lương ở mức cơ sở, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho biết, nhiều địa phương căn cứ vào tình hình thực tế và nguồn lực ngân sách địa phương đã ban hành một số chính sách cho các đối tượng cụ thể theo lương cơ sở.
Điển hình trong đó có chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài biên chế do cấp huyện, cấp tỉnh đang hợp đồng tại các cơ sở giáo dục công lập để đảm bảo tỷ lệ giáo viên đứng lớp; hay chính sách chi trả phụ cấp cho khuyến nông viên cơ sở; chính sách chi phụ cấp kiêm nhiệm cho HĐND các cấp.
Mặt khác, thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, nhiều cán bộ dôi dư phải có chính sách hỗ trợ vẫn chưa giải quyết xong...
Đại biểu Nam đề nghị Quốc hội xem xét đồng ý với đề xuất của Chính phủ tăng bổ sung cân đối cho các địa phương 2% so với dự toán năm 2023, để giảm bớt khó khăn cho các địa phương đang nhận cân đối từ Ngân sách trung ương.