Người dân thôn Lệ Bắc, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) tích trữ lương thực, đưa gia súc lên cao phòng mưa lớn gây ngập lụt, cô lập. |
Chiều 13/10, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam phát đi tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên địa bàn.
Trong 24 giờ qua (từ 15h ngày 12/10 - 15h ngày 13/10) các địa phương trong tỉnh đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to như: Đại Hiệp 158.6mm, Cù Lao Chàm 150.0mm, Hồ Phú Lộc 149.6mm, Duy Trung 147.6mm, Đập Hà Thanh145.6mm, Cầu Vĩnh Điện 134.6mm, Hội An 134.6mm, Điện Ngọc 133.8mm...
Dự báo trong 6 giờ tới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét các sông, suối nhỏ, sạt lở đất ở sườn dốc các huyện Đông Giang, Tây Giang, Đại Lộc, Duy Xuyên, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn, TP Hội An...
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1.
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam công bố 46 xã, thị trấn nằm trong danh sách nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá trong 6 giờ tới. Cụ thể:
TT Prao, Xã Tư, Xã Jơ Ngây, Xã Cà Dăng, xã Ba, A Rooi, Mà Cooi (Đông Giang); Xã Ch’ơm, A Xan, A Tiêng, A Lăng, Tr’Hy, Bha Lêê, Lăng, GaRi; Dang, A Vương (Tây Giang); Xã Phước Hiệp, Phước Hòa, Phước Thành, Phước Kim, Phước Chánh, Phước Công, Phước Lộc, Phước Xuân, Thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn);
Xã Hiệp Hoà, Bình Sơn, Sông Trà, Phước Gia, Phước Trà, Quế Bình (huyện Hiệp Đức); Xã Sơn Viên, Quế Lộc, Quế Lâm, Phước Ninh (Nông Sơn); Xã Đại Hưng, Đại Đồng, Đại Lãnh, Đại Sơn, Đại Phong, Đại Hồng (Đại Lộc); Xã Duy Sơn, Duy Trinh, Duy Trung (Duy Xuyên); và xã Tân Hiệp (TP. Hội An).
Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam có công điện gửi các ngành, địa phương về chủ động ứng phó mưa lũ trên địa bàn. Theo đó, yêu cầu các địa phương chủ động phương án phòng chống sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; Tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét trên địa bàn tỉnh
Rà soát, chủ động sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn; có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm
Đảm bảo an toàn hồ đập; Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực nước ngập sâu, chảy xiết; Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức hỗ trợ người dân sơ tán và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra...