Đài Khí tượng thủy văn thành phố Cần Thơ cho biết, trong 2 ngày qua, mực nước trên các sông, rạch thành phố Cần Thơ tiếp tục lên nhanh và cao theo kỳ triều cường rằm tháng 8 Âm lịch. Mực nước cao nhất lúc 5h sáng nay (29/9) tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu đã ở mức 2m, tương đương báo động III.
Mực nước đỉnh triều trên các sông, rạch còn tiếp tục lên cao và khả năng sẽ đạt đỉnh trong các ngày 30/9-2/10 (16-18/8 Âm lịch). Đỉnh triều cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu đợt này có khả năng lên mức 2,1-2,15m, vượt mức báo động III là 0,10-0,15m. Thời gian xuất hiện mực nước đỉnh triều hàng ngày vào lúc 5h-6h và 16h-18h.
Đây là đợt triều cường có đỉnh triều lên cao vượt mức báo động III, trong khi triều cường lên cao kết hợp với mưa lớn sẽ gây ngập úng diện rộng cho các khu vực trũng thấp, vùng nội đô ven sông của thành phố.
Nước tràn một con hẻm ở đường Mậu Thân, quận Ninh Kiều sáng 29/9. Ảnh: Cảnh Kỳ. |
Trước đó, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của các đợt triều cường trong tháng 8, 9 và 10 Âm lịch, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PTDS-PCTT&TKCN) thành phố Cần Thơ đã đề nghị thành viên Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố, UBND quận/huyện khẩn trương chỉ đạo tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, triều cường, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh; cảnh báo và di dời dân tại khu vực bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ xảy ra sạt lở đến nơi an toàn.
Cấm đường khi cần thiết
Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố Cần Thơ cũng đề nghị Công an thành phố tăng cường lực lượng, phương tiện để phân luồng, chủ động phương án khắc phục sự cố giao thông và đảm bảo an toàn giao thông đối với người, phương tiện lưu thông qua các đoạn đường bị ngập sâu.
Sở Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức rà soát toàn bộ các đoạn, tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh bị ngập nước trên toàn thành phố. Chủ động bố trí lực lượng và phương tiện để tổ chức giao thông và hỗ trợ khi cần thiết.
Trường hợp nước ngập sâu, không an toàn cho người và phương tiện lưu thông thì thực hiện biện pháp cấm đường tạm thời, đồng thời phối hợp với các lực lượng có liên quan triển khai phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông cho phù hợp.
Đại lộ Hòa Bình, quận Ninh Kiều trong đợt triều cường lịch sử năm 2022. Ảnh: Cảnh Kỳ. |
Đối với các quận trung tâm, đặc biệt là quận Ninh Kiều tổ chức kiểm tra các tuyến đường, đặc biệt là các nắp hố ga trên vỉa hè, mặt đường để tránh hố sâu nguy hiểm; chỉ đạo các phường rà soát lại trụ chiếu sáng, đèn chiếu sáng... để tránh rò rỉ điện, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Tổ chức rà soát toàn bộ các tuyến đường bị ngập sâu trên địa bàn, thực hiện cắm biển cảnh báo nguy hiểm (tạm thời), dây cảnh báo, đèn chớp cảnh báo tại những vị trí ngập sâu, các tuyến đường cặp kênh, mương, ao, hồ khi triều cường dâng cao, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Thường trực Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN các ngành, các địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ trong các đợt triều cường, lũ, bão...
Trong giai đoạn từ năm 2004 đến 2022, trên địa bàn thành phố Cần Thơ ghi nhận có 12 năm cao độ mực nước cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu vượt mức 2m (vượt báo động III). Có 7 năm ghi nhận cao độ mực nước cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu bằng hoặc dưới mức 2m; trong đó có 1 đợt triều cường với mức đỉnh triều cao lịch sử 2,27m xuất hiện vào ngày 12/10/2022 (ngày 17/9 Âm lịch).