TS Mai Đức Toàn- Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Truyền thông Trường ĐH Gia Định cho hay, việc không bị giới hạn nguyện vọng lẫn số lần thay đổi là có lợi cho các thí sinh, tuy nhiên, theo kinh nghiệm thí sinh cần cẩn trọng và không nên lạm dụng.
Theo ông Toàn, thí sinh chỉ nên chọn ra từ 1 tới 3 trường mà bản thân yêu thích. Mỗi trường chọn tối đa 3 nguyện vọng để không mất quá nhiều thời gian lựa chọn.
Thí sinh tìm hiểu nộp hồ sơ xét tuyển sớm vào các trường đại học tại TPHCM Ảnh: Nguyễn Dũng |
“Thông thường, mỗi trường đại học sẽ có ít nhất 2 phương thức xét tuyển là xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ THPT. Nếu trước đó thí sinh đã xét học bạ vào các trường đại học thì bây giờ các bạn phải tính toán, sắp xếp thứ tự các nguyện vọng hợp lý để tăng khả năng trúng tuyển”, ông Toàn nói và cho rằng, thí sinh cũng cần tham khảo điểm trúng tuyển của năm 2022 để xem mức điểm tương ứng từng ngành, từng trường và đưa ra lựa chọn chính xác.
Thí sinh sẽ không bị giới hạn nguyện vọng lẫn số lần thay đổi, tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu không cẩn trọng, thí sinh rất có thể “tiền mất, tật mang”, tức đăng ký nhiều nhưng vẫn trượt đại học.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Cao Quảng Tư - Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn cho rằng, khi sắp xếp nguyện vọng, các em cần có “chiến lược” riêng, phải ghi ra nháp các ngành/trường học bản thân mong muốn, tránh mở máy tính lên rồi mới bắt đầu suy nghĩ, phân tích. “Thí sinh không nên đặt nguyện vọng quá sớm hoặc quá muộn, cần tránh việc bị động khi điều chỉnh nguyện vọng vào những mốc thời gian cao điểm và nên chủ động có phương án dự phòng”, ông Tư khuyên.
Cũng theo ông Tư, hiện tại có nhiều thí sinh đã trúng tuyển bằng các phương thức tuyển sớm ở một số trường, nếu thực sự mong muốn học ngành đã đậu và không có nguyện vọng nào cao hơn, cần đặt ngành học này ở nguyện vọng số ưu tiên số 1, để chắc suất đậu đại học.
Trường hợp thí sinh đã trúng tuyển sớm nhưng không đậu vào ngành học yêu thích hoặc vẫn hy vọng điểm thi tốt nghiệp THPT có thể trúng tuyển vào ngành học khác, các em nên lựa chọn một cách an toàn là đặt nguyện vọng ngành học yêu thích hơn lên phía trên, trước ngành học đã được thông báo đủ điều kiện trúng tuyển.
Trường hợp thí sinh không trúng tuyển sớm, điểm thi tốt nghiệp THPT của các em ở các nguyện vọng phải cao hơn điểm chuẩn các năm trước đó. Để biết được khả năng trúng tuyển của bản thân, thí sinh phải xem phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay ở các môn thi và tổ hợp xét tuyển đại học. Đồng thời, thí sinh cần tham chiếu điểm chuẩn ngành/trường học bản thân lựa chọn trong 2-3 năm gần nhất để quyết định, tăng cơ hội trúng tuyển.
Ông Tư cũng lưu ý, vì chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất, nên các em cần sắp xếp thứ tự theo nguyên tắc độ yêu thích giảm dần. Ngành học nào yêu thích nhất, em đặt ở nguyện vọng trên cùng.
“Trong thời gian này cần tham khảo ý kiến của bạn bè, gia đình hoặc tư vấn từ các chuyên gia hướng nghiệp để có được lựa chọn phù hợp nhất. Đây cũng là khoảng thời gian các em không còn vướng bận lịch học nữa nên nếu đang quan tâm hay phân vân về các trường, có điều kiện hãy đến tận nơi tham quan cơ sở vật chất và môi trường học”, ông Tư khuyên.
Nhiều trường công bố điểm chuẩn, điểm sàn
Ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm và điểm sàn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trường ĐH Sư phạm TPHCM, ở phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập THPT, nhiều ngành trong đó đạt đến hơn 29 điểm (ba môn), như ngành sư phạm Hóa học lấy điểm chuẩn cao nhất là 29,73, sư phạm Toán học 29,55, sư phạm Vật lý 29,5, sư phạm Sinh học 29,28. Số ngành có trên 28 điểm cũng chiếm phần lớn. Như vậy, để có thể trúng tuyển nhiều ngành, thí sinh phải đạt trung bình mỗi môn từ 9 điểm trở lên.
Trường ĐH Công nghiệp TPHCM điểm chuẩn nhiều ngành cũng tăng mạnh. Đáng chú ý, Kinh doanh quốc tế là ngành có điểm chuẩn cao nhất ở hai phương thức xét học bạ THPT với 29 điểm và xét kết quả thi đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM với 900 điểm. Kế đến là Marketing với 28,5 điểm xét học bạ và 830 điểm đánh giá năng lực.
Trường ĐH Tài chính- Marketing TPHCM điểm chuẩn của 24 ngành học ở các phương thức đều ở mức cao. Cụ thể, ở phương thức xét điểm học bạ theo tổ hợp ba môn, thí sinh phải mỗi môn ít nhất 8 điểm mới có thể trúng tuyển, có những ngành mỗi môn phải từ 9 điểm trở lên. Còn ở phương thức xét điểm đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM, mức điểm từ 710 đến 870, theo thang điểm 1.200.
Về điểm sàn, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM ngưỡng điểm dao động từ 16 - 19 điểm tùy ngành, riêng nhóm ngành Khoa học sức khỏe sẽ áp dụng ngưỡng điểm do Bộ GD&ĐT quy định. Trường ĐH Gia Định sẽ lấy từ 16,5 điểm đến 18 điểm đối với phương thức xét kết quả học bạ THPT. Trường ĐH Hoa Sen lấy điểm sàn là 15 điểm cho tất cả các ngành với phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT…