Chiến thuật đăng ký nguyện vọng để khỏi 'trắng tay' tuyển sinh ĐH 2023

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các trường đại học (ĐH) đang gấp rút thu hồ sơ các phương thức xét tuyển sớm. Tuy có nhiều phương thức xét tuyển nhưng vẫn có thí sinh điểm cao trắng tay do đăng ký chưa hợp lý.

Không bỏ trứng vào một giỏ

PGS. TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng phụ trách tuyển sinh, Trường ĐH Phenikaa cho biết khi lựa chọn thứ tự ưu tiên nguyện vọng, thí sinh cần chú ý sắp xếp nguyện vọng phù hợp nhất lên trên vì thí sinh cũng chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất.

Chiến thuật đăng ký nguyện vọng để khỏi 'trắng tay' tuyển sinh ĐH 2023 ảnh 1

Thí sinh nên chọn ngành trước, chọn trường sau. Ảnh minh họa: Nghiêm Huê

Nguyên tắc sắp xếp nguyện vọng nên chia làm 3 nhóm: nguyện vọng ưu tiên cao nhất; nguyện vọng vừa sức với mình; nguyện vọng dưới năng lực cá nhân một chút (đề phòng rủi ro).

Thí sinh nên trải đều các nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển. Hệ thống cho phép không giới hạn số lượng nguyện vọng và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần từ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 30/7.

“Một điểm quan trọng là tất cả các khâu trong quá trình tuyển sinh sẽ được thực hiện trực tuyến tới xác nhận nhập học. Do đó, thí sinh cần đọc kỹ Quy chế tuyển sinh, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, theo dõi sát thông báo của các Sở cũng như các trường ĐH để thực hiện đúng, đủ, tránh đánh mất cơ hội”, PGS Khánh nhắc nhở thí sinh.

PGS.TS Phạm Văn Bổng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội nhắn nhủ thí sinh đừng vội chọn trường. Trước hết, cần nhìn lại đam mê, sở thích với ngành nghề nào, tiếp đó xem có đủ khả năng để theo đuổi đam mê, đáp ứng được những yêu cầu của ngành này hay không. Nếu chỉ yêu thích nhưng năng lực mình có hạn thì cũng không nên theo đuổi. Ngoài ra phải xem xét tới điều kiện gia đình và vị trí địa lý có phù hợp không. Thí sinh cũng nên nghe tư vấn từ người thân và những người có chuyên môn trong lĩnh vực đó. Bởi nhiều khi thích ngành nào đó chỉ là “cảm tính”, chạy theo số đông, nên cần thêm sự phân tích từ mọi người xung quanh.

Trường top, ngành hot không bảo chứng cho thành công

Chung quan điểm với PGS.TS Phạm Văn Bổng, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho rằng lựa chọn ngành học trước hết phải dựa vào thế mạnh của mỗi thí sinh, nên chọn ngành trước rồi chọn trường.

“Nếu vào được trường top, ngành đó lại hot thì rất tốt. Nhưng những ngành học giàu sức hút thì mức độ cạnh tranh đặc biệt cao. Do đó, sự thành công phụ thuộc vào nỗ lực cá nhân rất nhiều”, bà Thủy nhấn mạnh. Đồng thời cho biết thêm trong việc chọn ngành, những lời khuyên, lời tư vấn của người xung quanh rất có giá trị; đi theo ngành học giàu tiềm năng cũng là điều tốt. Nhưng chính thí sinh phải hiểu bản thân để đưa ra quyết định. Bà Thủy cho biết, nhiều trường hợp rất giỏi, thi đỗ những trường y hàng đầu của Việt Nam theo đúng ý nguyện của bố mẹ. Thế nhưng sau 2 năm học, nhất định xin chuyển sang lĩnh vực khác. Như vậy, sinh viên này đã mất 2 năm học, bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để trăn trở, cuối cùng không thể nào theo được hướng đi do người khác định ra cho mình.

PGS Nguyễn Thu Thủy cho biết, năm nay, điểm chuẩn (trừ ngành sức khỏe và giáo viên) do các trường ĐH quyết định nên sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của từng ngành cụ thể. Do đó, điểm chuẩn trong các đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo công bố trong những năm qua chỉ mang tính chất tham khảo.

MỚI - NÓNG