Đại học Bách khoa Hà Nội điều chỉnh đề án tuyển sinh 2023: Thêm 3 mã tuyển sinh mới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 1/6, Hội đồng tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố Đề án tuyển sinh năm 2023. Theo đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học chính quy là 7.985 sinh viên, trong đó 15-20% cho phương thức xét tuyển tài năng, 85-90% xét tuyển theo điểm thi (tốt nghiệp THPT và Đánh giá tư duy).

So với dự kiến tuyển sinh trước đó được Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội công bố, Đề án chính thức có một số điều chỉnh, có lợi cho thí sinh.

Đại học Bách khoa Hà Nội điều chỉnh đề án tuyển sinh 2023: Thêm 3 mã tuyển sinh mới ảnh 1

SV ĐH Bách khoa Hà Nội trong ngày tốt nghiệp

Thứ nhất, năm 2023, ĐH Bách khoa Hà Nội có thêm 3 mã tuyển sinh mới: Kỹ thuật vi điện tử và CN Nano (MS2) và Công nghệ vật liệu polymer và compozit (MS3) và Chương trình tiên tiến Kỹ thuật sinh học (giảng dạy bằng tiếng Anh) (BF-E19).

Thứ hai, một điểm điều chỉnh trong đề án tuyển sinh năm 2023 là không áp dụng điều kiện học bạ đối với thí sinh xét tuyển theo điểm thi (tốt nghiệp THPT, đánh giá tư duy). ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT và thi đánh giá tư duy.

ĐH Bách khoa Hà Nội cũng lưu ý đối với các thí sinh đăng ký chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, ngoài các điều kiện cần thiết (theo các phương thức tuyển sinh), thí sinh cần có một trong những điều kiện về trình độ tiếng Anh như sau: chứng chỉ tiếng Anh VSTEP trình độ B1 trở lên, IELTS (academic) 5.0 trở lên hoặc tương đương; hoặc Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 môn tiếng Anh đạt yêu cầu của ĐH Bách khoa Hà Nội (sẽ được công bố sau).

Thứ ba, trong năm 2023, tất cả các ngành/chương trình tuyển sinh đều sử dụng phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Trước đó, ĐH này dự kiến có một số chương trình đào tạo hot chỉ xét tuyển thi đánh giá tư duy và xét tuyển tài năng.

Thứ tư, đối với phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy, không áp dụng đối với các ngành Ngôn ngữ Anh.

Về kỳ thi đánh giá tư duy, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức 3 đợt thi vào ngày 10/6, 17/6 và 8/7 tại 9 cụm thi: Hà Nội (10 trường ĐH, Học viện); Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Đà Nẵng.

Đến cuối tháng 5, tổng số thí sinh đăng ký dự thi Đánh giá tư duy là 10.211 (với 19.225 lượt thi).

Năm nay, có 32 cơ sở giáo dục đại học sẽ sử dụng kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy để xét tuyển.

ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã quyết định chuyển từ hình thức thi truyền thống (thi giấy, bài thi trắc nghiệm + tự luận) những năm trước bằng hình thức thi trực tuyến trên máy tính tại các phòng máy của cơ sở tổ chức thi. Hình thức thi trắc nghiệm với nhiều loại hình câu hỏi: chọn phương án đúng; chọn câu trả lời đúng hoặc sai; điền đáp án; kéo/thả đáp án.

Bài thi đánh giá tư duy đã được điều chỉnh theo hướng gọn nhẹ (150 phút), với 3 phần thi: Tư duy toán học (60 phút), Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy khoa học/giải quyết vấn đề (60 phút).

Câu hỏi được thiết kế theo thang đo tư duy với 3 mức: Mức 1 – Tư duy tái hiện; Mức 2 – Tư duy suy luận; Mức 3 – Tư duy bậc cao.

ĐH này cho biết công tác chuẩn bị cho việc tổ chức thi đã hoàn tất. Thông qua các đợt tổ chức thi thử nghiệm (ngày 25/2, 2/4, 13/5 và 21/5) cùng với đợt thi online ngày 9/4, ĐH Bách khoa Hà Nội đã chuẩn hóa quy trình tổ chức thi, đảm bảo an toàn, an ninh, bảo mật theo đúng quy định.

Một số lưu ý:

Đối với thí sinh đăng ký xét tuyển tài năng, nếu đã đủ điều kiện trúng tuyển thì trong đợt đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH của Bộ GD&ĐT, các em nên đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành mong muốn (đã đủ điều kiện) để đảm bảo chắc chắn trúng tuyển.

Thí sinh tham dự thi tốt nghiệp THPT và thi đánh giá tư duy, căn cứ trên ngưỡng nhận hồ sơ do ĐH Bách khoa Hà Nội công bố để đăng ký vào các chương trình phù hợp, theo nguyện vọng của mình.

Năm 2023 thí sinh chỉ cần đăng ký Trường, mã chương trình xét tuyển, không cần đăng ký mã phương thức xét tuyển. Thí sinh nên chọn mục tiêu: ngành hay trường để có phương án đăng ký tối ưu nhất.

MỚI - NÓNG