Khi Trường ĐH Luật Hà Nội báo điểm trúng tuyển năm 2023, Nguyễn Thị Hương, học sinh lớp 12 của một trường THPT có tiếng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, không thể tin đã trượt trường ĐH đầu tiên. Hương đăng ký phương thức xét học bạ với 3 nguyện vọng vào Trường ĐH Luật Hà Nội và điểm chuẩn của 3 ngành em đăng ký dao động từ 29,44 - 30 điểm. Hương chia sẻ, điểm học bạ của em và các bạn trong lớp không cao; em không có điểm cộng ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng; “phao cứu sinh” duy nhất của em là điểm khuyến khích chứng chỉ ngoại ngữ IELTS 6.5. Vì vậy, em đã trượt ở phương thức xét học bạ. Đây là trường em muốn học nên vẫn còn cơ hội xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, chỉ tiêu của phương thức này không còn nhiều nên với Hương khả năng vào ĐH Luật cũng rất mong manh.
Điểm chuẩn các ngành đào tạo của Trường ĐH Luật Hà Nội tại trụ sở chính đều không có tổ hợp nào dưới 27 điểm, cao nhất lên đến 30 điểm/tổ hợp. Như vậy, thí sinh nào nếu không có điểm ưu tiên, khuyến khích thì điểm trung bình học bạ 9 điểm/môn không có cơ hội vào trường.
Thí sinh tham gia thi đánh giá năng lực năm 2023 Ảnh: Mạnh Thắng |
Nhiều trường ĐH khu vực phía Bắc đã nhận hồ sơ xét tuyển bằng phương thức xét học bạ như Học viện Ngoại giao, Trường ĐH Ngoại thương, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Bách khoa Hà Nội. Trưởng phòng Đào tạo một trường cho biết, điểm học tập của thí sinh năm nay rất cao. Với tổng số hồ sơ đã nhận trên 10.000, tỷ lệ hồ sơ đạt học lực loại giỏi có ngành chiếm tới 50%. Trần Văn Trung, học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội, nói rằng với mức học bạ chỉ đạt tổng 25-26 điểm/tổ hợp, em chỉ hy vọng có cơ hội trúng tuyển vào Học viện Bưu chính Viễn thông bằng phương thức xét tuyển sớm.
Trường ĐH cũng e ngại
Ghi nhận tại các trường ĐH xét kết quả học tập THPT cho thấy, không hiếm hồ sơ có điểm xét tuyển lên đến trên 28 điểm/tổ hợp (chưa tính điểm cộng ưu tiên, điểm khuyến khích). Nhận học bạ ở mức điểm đẹp như mơ, nhiều trường ĐH đã phải tìm giải pháp để chọn được đúng thí sinh đáp ứng được yêu cầu đào tạo. ĐH Bách khoa Hà Nội với phương thức xét tuyển tài năng, yêu cầu thí sinh thuộc diện xét hồ sơ năng lực trả lời phỏng vấn. Trong đó, điểm hồ sơ tối đa chiếm 40%, điểm phỏng vấn chiếm 20% và 10% là điểm thưởng.
Để đảm bảo công bằng hơn cho thí sinh, từ năm 2023, Bộ GD&ĐT yêu cầu khi xét tuyển bằng bất cứ phương thức nào, dù sử dụng điểm ưu tiên, điểm khuyến khích bao nhiêu thì điểm trúng tuyển của thí sinh không được vượt quá 30 điểm/tổ hợp. Như vậy, với những thí sinh đạt điểm cao thì điểm khuyến khích, điểm ưu tiên sẽ không có nhiều ý nghĩa.
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, cho biết, đối với phương thức xét tuyển học bạ, trường đã có điều chỉnh cho phù hợp. Năm nay, trường chỉ nhận hồ sơ đạt mức điểm bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển năm 2022 (từ 22 điểm/tổ hợp trở lên); chỉ xét điểm 5 học kỳ (lớp 10, lớp 11 và học kỳ I năm lớp 12). Theo ông Sơn, năm 2022, với phương thức xét tuyển học bạ, thí sinh được chọn một trong hai hình thức: xét tuyển kết quả 5 học kỳ (hai năm lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12) và kết quả lớp 12. Kết quả điểm chuẩn xét điểm lớp 12 cao hơn rất nhiều so với 5 học kỳ. Có những môn chỉ đạt 7, 8 điểm lớp 10 nhưng đến năm lớp 12 tăng lên 9 điểm. Đó là lý do năm nay trường giảm chỉ tiêu xét tuyển học bạ vì nhận thấy kết quả này không phản ánh chính xác năng lực học sinh. Trường cũng giảm chỉ tiêu xét kết quả học bạ từ 40% xuống còn 20-30% tùy ngành.
Kể từ năm 2020, Bộ GD&ĐT thực hiện đối sánh trung bình điểm thi các môn, trung bình điểm thi từng môn thi tốt nghiệp THPT với điểm học bạ. Kết quả cho thấy có sự vênh đáng kể giữa điểm học tập và điểm thi. Tại một số địa phương, điểm học bạ rất cao nhưng điểm thi lại rất thấp. Biểu hiện rõ nhất về mức độ lệch nhau giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ là môn Ngoại ngữ. Đây là môn thi có nhiều bài thi bị điểm liệt nhất năm 2022, tỉ lệ học sinh có điểm dưới trung bình cao nhất, gần 52%. Kết quả đối sánh điểm học bạ và điểm thi cho thấy, môn học này cũng có sự chênh lệch khá lớn. Trên toàn quốc, điểm trung bình học bạ là 7,27, số điểm nhiều học sinh đạt được nhất là 8, nhưng kết quả điểm thi trung bình chỉ là 5,15 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,8. Theo nhiều chuyên gia, vênh 4,2 điểm là con số quá cao.
Tình trạng vênh điểm làm ảnh hưởng tới sự công bằng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH. Nếu trường học, địa phương “nới tay” cho điểm học bạ quá cao so với năng lực thực tế thì một số thí sinh có thể từ trượt thành đỗ nhờ học bạ “giải cứu” vì nhiều trường ĐH xét tuyển bằng học bạ. Bộ GD&ĐT đã tổ chức đối sánh điểm được 3 năm. Nhưng Bộ chỉ công bố công khai 2 năm đầu là năm 2020, 2021. Đến năm 2022, Bộ không công bố công khai kết quả đối sánh này. Không những thế, với các địa phương có sự chênh lệch điểm giữa thi và học bạ nới rộng, hình thức xử lý của Bộ như thế nào cũng không được Bộ công khai thông tin.