Trước đó, ngày 3/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có tờ trình Thủ tướng về việc thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại TP Cần Thơ (Trung tâm).
Về việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp, thống nhất với UBND TP Cần Thơ rà soát, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan liên quan; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ thành lập Trung tâm, bảo đảm các ưu đãi đầu tư phù hợp với Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/4/2023. Trong đó, bổ sung, giải trình và báo cáo rõ những nội dung sau:
Sự phù hợp của Trung tâm với các quy hoạch có liên quan theo đúng quy định tại Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội. Sự phù hợp về mục tiêu của Trung tâm với mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 45/2022/QH15. Sự phù hợp về chức năng, nhiệm vụ, phân khu chức năng của Trung tâm với các quy định của pháp luật liên quan và Quy hoạch vùng ĐBSCL.
Mối liên hệ giữa việc thành lập và hoạt động của Trung tâm với các đề án liên quan do Bộ NN&PTNT, UBND TP Cần Thơ chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ năm 2023 theo nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trung tâm được kỳ vọng tăng cường liên kết chuỗi giá trị nông thủy sản ĐBSCL (trong ảnh là nông dân thu hoạch cá tra ở ĐBSCL). |
Các hoạt động cụ thể của Trung tâm và sự phù hợp theo các quy định của pháp luật liên quan về khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Phương án tài chính, nguồn kinh phí để Trung tâm vận hành. Cơ sở pháp lý về việc giao UBND TP Cần Thơ quyết định về tổ chức quản lý hoạt động của Trung tâm.
Sự phù hợp về pháp luật đối với việc đề xuất giải pháp nhà nước sẽ thực hiện thu hồi đất để xây dựng Trung tâm theo điểm a, khoản 2, Điều 62 của Luật Đất đai. Phương án đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.
Cơ sở pháp lý về việc giao UBND TP Cần Thơ quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư hạ tầng; lựa chọn nhà đầu tư thứ cấp đồng thời giao nhà đầu tư hạ tầng cho thuê đất để thực hiện dự án sản xuất kinh doanh.
Bộ NN&PTNT báo cáo rõ quan điểm về việc hồ sơ có đủ căn cứ pháp lý để Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Trung tâm, đủ căn cứ pháp lý để quản lý và điều kiện để Trung tâm đi vào hoạt động chưa?
Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ là một trong những nội dung của Nghị quyết số 45/2022/QH15 về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.
Trung tâm được kỳ vọng nhằm giải quyết được vấn đề chính là tăng cường liên kết trong các chuỗi cung ứng, thúc đẩy sự phát triển bền vững lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp tại vùng ĐBSCL. Trung tâm là mô hình một điểm đến đa dịch vụ, được hình thành bởi việc thu hút các nhà đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thứ cấp về sản xuất, thương mại, dịch vụ, các tổ chức nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, các dịch vụ hỗ trợ khác…
TP Cần Thơ dự kiến dành một quỹ đất rộng khoảng 2.000 ha để xây dựng Trung tâm. Trong đó, ưu tiên xây dựng hệ thống logistics hàng không, cảng sông và hệ thống kho trung tâm để bảo quản các sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL.