Cấp bách gọi vốn phát triển toàn diện nông sản Đồng bằng sông Cửu Long

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc thành lập Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ là cần thiết và cấp bách nhằm giải quyết được vấn đề chính là tăng cường liên kết trong các chuỗi cung ứng, thúc đẩy sự phát triển bền vững lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp tại vùng ĐBSCL.  

Sáng 24/11, tại diễn đàn Mekong Connect năm 2022 với chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững”, ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.

Tuy nhiên, đất nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón, chi phí sản xuất, vận tải gia tăng.

Riêng đối với vùng ĐBSCL, mặc dù có nhiều thế mạnh rõ rệt, song vùng đã và đang đối diện nhiều thách thức lớn nằm ở ba phương diện kinh tế, xã hội và môi trường.

Thứ nhất, nền nông nghiệp của vùng chậm hiện đại hóa, nguồn vốn đầu tư hạn chế; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ.

Thứ hai, tình trạng di cư, sự chênh lệch về mức sống và cơ hội việc làm dẫn đến luồng di cư từ vùng lên các đô thị và khu công nghiệp ở vùng TPHCM. Nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận khoa học công nghệ còn thấp.

Thứ ba, các công trình thủy điện thượng nguồn làm giảm đáng kể lượng phù sa và cát do bị các hồ chứa giữ lại. Hệ quả là gây ra sạt lở bờ sông và làm đất bạc màu, nước mặn từ biển xâm lấn làm hơn một nửa diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn…

Cấp bách gọi vốn phát triển toàn diện nông sản Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (phải) tham quan các gian hàng tại diễn đàn (ảnh: Cảnh Kỳ).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội kỳ vọng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL cùng với các ban, bộ, ngành, địa phương trong cả nước, nhất là TPHCM và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh theo tinh thần cả nước vì ĐBSCL - ĐBSCL vươn lên cùng cả nước và vì cả nước.

Ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.

Trong đó có chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư đối với dự án Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL. Để thực hiện đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 59 đã đề ra, ngoài sự phấn đấu nỗ lực của TP Cần Thơ, còn đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và sự hỗ trợ của các tỉnh, thành phố, đặc biệt là TPHCM.

Ông Trần Phú Lộc Thành - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Cần Thơ - cho biết, việc thành lập trung tâm là cần thiết và cấp bách nhằm giải quyết được vấn đề chính là tăng cường liên kết trong các chuỗi cung ứng, thúc đẩy sự phát triển bền vững lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp tại vùng ĐBSCL.

Quá trình xây dựng đề án được bắt đầu từ tháng 2/2022, thông qua 3 lần họp lấy ý kiến và góp ý từ các tỉnh ĐBSCL, các bộ và cơ quan ngang bộ, các hiệp hội ngành nghề và các chuyên gia. UBND TP Cần Thơ đã trình Bộ NN&PTNT thẩm định từ tháng 8/2022 và dự kiến sẽ được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập trung tâm trong năm 2022. Ngay sau đó, TP Cần Thơ sẽ triển khai, mời gọi đầu tư xây dựng.

Cấp bách gọi vốn phát triển toàn diện nông sản Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2

Nhiều sản phẩm chất lượng được trưng bày ở diễn đàn (ảnh: Cảnh Kỳ).

Theo ông Thành, trung tâm là mô hình một điểm đến đa dịch vụ, được hình thành bởi việc thu hút các nhà đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thứ cấp về sản xuất, thương mại, dịch vụ, các tổ chức nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, các dịch vụ hỗ trợ khác…

Trong đó, phân khu 1 (dự kiến khoảng 50ha) có chức năng hành chính, quản lý và dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ công, thương mại, xuất nhập khẩu, logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Phân khu 2 (dự kiến 200ha) có chức năng nghiên cứu ứng dụng công nghệ, chế biến tinh các sản phẩm nông nghiệp.

Trung tâm sẽ thu hút đầu tư vào hạ tầng khoảng 6.000 tỷ đồng và khoảng 9.000 tỷ đồng vào khai thác thứ cấp trong khoảng 5 năm. Tăng kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng, đặc biệt là xuất khẩu hàng nông sản vùng. Nâng cao trình độ sản xuất, thương mại, dịch vụ cho lực lượng sản xuất trong vùng, tiếp cận trình độ quốc tế. Tạo công ăn việc làm mới có trình độ và giá trị gia tăng cao hơn cho người lao động, góp phần đáng kể ổn định đời sống, xã hội…

MỚI - NÓNG