Người tài ra đi sau “trải thảm đỏ”
Tại hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 khóa XIII mới đây, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, cho biết đang được giao nhiệm vụ xây dựng cơ chế để thu hút sử dụng nhân tài, để cán bộ trẻ, năng lực nổi trội “có thể đi nhanh hơn”. “Sắp tới có chính sách riêng của Đảng về trọng dụng nhân tài, để những cán bộ trẻ có năng lực có thể “đi nhanh hơn”, đóng góp cho Đảng, Nhà nước”, bà Mai cho biết.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng, việc bồi dưỡng, rèn luyện rồi mạnh dạn trao quyền, trao trách nhiệm cho thế hệ trẻ là một tiến trình đúng quy luật phát triển. Theo ông Dĩnh, thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương đã “trải thảm đỏ” để thu hút nhân tài, cán bộ trẻ có năng lực nổi trội vào làm việc. Tuy nhiên, sau khi vào làm việc được một thời gian, nhiều nhân tài lại tìm cách ra đi. Có địa phương chi hàng trăm tỷ đồng đưa người trẻ có năng lực nổi trội đi đào tạo ở nước ngoài nhưng nhiều người sau đó không quay về, chấp nhận bồi thường. Ngay tại Hà Nội, chỉ có hơn 10% thủ khoa được tuyển dụng theo chính sách trọng dụng người tài ở lại, còn lại đều đi sang các lĩnh vực, ngành nghề khác.
Hà Nội tuyên dương các thủ khoa xuất sắc năm 2022. Ảnh: Bảo Anh |
Theo các chuyên gia về công tác tổ chức, việc trọng dụng nhân tài, trọng dụng cán bộ trẻ trong toàn hệ thống chính trị vẫn còn những hạn chế. Nguyên nhân được chỉ ra là do chưa có chính sách đặc biệt về thu hút nhân tài, trọng dụng cán bộ trẻ có năng lực nổi trội. “Chúng ta mới chỉ quan tâm đến “trải thảm đỏ” mà chưa có các chính sách đặc biệt giữ chân người tài, cũng như môi trường để họ phát huy năng lực”, ông Dĩnh nói.
Trong cơ chế thị trường hiện nay, ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, những người trẻ có năng lực nổi trội luôn được các công ty, doanh nghiệp lớn trong nước và ngoài nước “trải thảm đỏ” về làm bằng chính sách lương, thưởng hậu hĩnh, cộng môi trường làm việc đầy sáng tạo. “Nếu chúng ta vẫn duy trì cơ chế chính sách tiền lương, tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ một cách tuần tự, cứng nhắc như hiện nay thì khó mà thu hút, giữ chân người tài gắn bó lâu dài”, ông Chức nói.
Mạnh dạn trao quyền, trao trách nhiệm
Theo ông Nguyễn Viết Chức, để nhân tài, cán bộ trẻ có năng lực nổi trội “đi nhanh hơn” thì cần phải có cơ chế, quy định riêng. “Nếu cứ theo quy trình, quy định, nghĩa là vài ba năm hoàn thành xuất sắc mới được lên chức này, chức kia thì còn rất lâu nữa chúng ta mới có các bộ trưởng ở độ tuổi dưới 40. Thuận buồm xuôi gió, phát huy năng lực tốt đến mấy, thì để trở thành bộ trưởng cũng đã 45- 50 rồi, đâu còn trẻ”, ông Chức phân tích.
Cùng chung quan điểm, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, với cán bộ trẻ có năng lực nổi trội, đặc biệt cần phải có cơ chế chính sách riêng trong tuyển dụng, sử dụng và đề bạt bổ nhiệm cán bộ. “Nhân tài, người trẻ có năng lực nổi trội được tuyển dụng vào cơ quan mà chỉ để sai vặt, “rót nước pha trà”, không sớm thì muộn họ cũng ra đi”, ông Dĩnh nói.
Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cho biết đang được giao nghiên cứu xây dựng cơ chế để thu hút sử dụng nhân tài, để cán bộ trẻ, năng lực nổi trội “có thể đi nhanh hơn”. Ảnh: Như Ý |
Theo ông Dĩnh, với nhân tài đã được kiểm nghiệm, đánh giá qua thực tế cần mạnh dạn trao quyền, trao trách nhiệm ở những vị trí cao hơn, vượt qua những quy trình, quy định hiện hành. “Người trẻ có năng lực nổi trội mà bổ nhiệm tuần tự, từ chuyên viên, chuyên viên chính, rồi phải nằm trong quy hoạch; phải học văn bằng này, chứng chỉ kia..., rồi bổ nhiệm lần lượt từ phó phòng, lên trưởng phòng, phó giám đốc…, thì rất khó giữ chân được họ. Với người tài, thời gian là thứ vô cùng quý giá, không bao giờ họ để lãng phí, mất cơ hội, nhất là khi còn trẻ”, ông Dĩnh nói.
“Nếu chúng ta vẫn duy trì cơ chế chính sách tiền lương, tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ một cách tuần tự, cứng nhắc như hiện nay thì khó mà thu hút, giữ chân người tài, người trẻ có năng lực nổi trội gắn bó lâu dài”.
Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Về nỗi lo “chín ép” mà dư luận hay nhắc đến, ông Chức cho rằng, không nên đánh đồng một vài trường hợp để rồi có cái nhìn không đúng về tuổi trẻ. “Thế hệ trẻ ngày nay giỏi hơn chúng tôi ngày trước rất nhiều. Các cháu được đào tạo bài bản, có kỹ năng, kiến thức, am hiểu các vấn đề công nghệ… Do đó Đảng và Nhà nước cần phải có những chính sách mang tính đột phá để thu hút, tạo thuận lợi để người trẻ phát huy được năng lực và sở trường”, ông Chức nói.
Để tránh tình trạng “đúng người nhưng lại không đúng quy trình” khi bổ nhiệm cán bộ trẻ tài năng, có năng lực nổi trội, ông Dĩnh đề nghị sớm có quy định cụ thể của Đảng về vấn đề này. “Có quy định thì các địa phương mới dám thực hiện, mới dám bổ nhiệm “vượt cấp”, giúp người trẻ có năng lực nổi trội đi nhanh hơn”, ông Dĩnh nói.
Theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Nghị quyết số 26 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, cũng đã yêu cầu hoàn thiện cơ chế, đẩy mạnh thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có triển vọng và đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận. Để thực hiện được điều này thì phải chú trọng thu hút, tuyển dụng, trọng dụng đào tạo, bồi dưỡng, mạnh dạn giao nhiệm vụ thử thách từ lúc trẻ, sau này mới có cán bộ cấp chiến lược ở tuổi 30- 40.
“Đất nước ta có rất nhiều người trẻ tài năng, có năng lực nổi trội. Nếu chúng ta có chính sách hợp lý thì chắc chắn sẽ thu hút được các cháu vào bộ máy để kế thừa, phát triển sự nghiệp của Đảng và Nhà nước”, ông Túc nói.