Theo công văn trên, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ học quốc gia Lò gốm Hưng Lợi chưa đảm bảo theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Hiện di tích đã bị xuống cấp nhưng chưa được trùng tu, tôn tạo kịp thời và còn bị xâm hại, lấn chiếm do một số cá nhân thực hiện.
Lò gốm Hưng Lợi. Ảnh: Tư liệu. |
Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích Lò gốm Hưng Lợi, UBND TP.HCM giao cho UBND phường 16 và UBND quận 8 thực hiện nghiêm việc quản lý Nhà nước trên địa bàn, tăng cường các công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ, gìn giữ di tích, tuyệt đối không để xảy ra việc xâm hại, hủy hoại, lấn chiếm di tích.
Đồng thời, lãnh đạo phường 16 và lãnh đạo quận 8 cần phối hợp Sở Tài chính để bố trí vốn thực hiện công tác bảo vệ khẩn cấp di tích trên. Cụ thể, trong thời gian tới cần phải xây dựng cổng, hàng rào, camera giám sát cho di tích.
Di tích Lò gốm Hưng Lợi hiện đang bị xâm phạm. |
Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM được giao chủ trì, phối hợp UBND quận 8 và các đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng Đề án quản lý di tích khảo cổ học quốc gia Lò gốm Hưng Lợi, tham mưu trình UBND TP.HCM xem xét, giải quyết từng nội dung theo đúng thẩm quyền. UBND TP.HCM cũng giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao xác định mức độ ưu tiên, tham mưu đề xuất bố trí vốn tu bổ, phục hồi di tích Lò gốm Hưng Lợi.
Cần nghiên cứu việc ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý di tích giữa ngành chức năng và các địa phương, trường hợp vượt thẩm quyền, tham mưu đề xuất trình UBND TP.HCM.
Cỏ cây bao quanh bảng cấm với nội dung bảo vệ di tích Lò gốm Hưng Lợi. |
Ngoài ra, công văn của UBND TP.HCM cũng nêu rõ Công an quận 8 cần khẩn trương xử lý hành vi xâm hại di tích của một số cá nhân tại di tích Lò gốm Hưng Lợi, báo cáo đầy đủ hiện trạng di tích, số lượng công trình, số hộ dân, tình trạng pháp lý các công trình xây dựng trong khu vực bảo vệ di tích hiện hữu, tìm ra nguyên nhân và đề xuất hướng xử lý để gửi Sở Văn hóa và Thể thao tổng hợp, báo cáo cho UBND TP.HCM.
Lò gốm Hưng Lợi là làng nghề cổ được hình thành khoảng giữa thế kỷ 18, chuyên sản xuất các đồ gốm sứ cung cấp cho các tỉnh Nam Bộ. Vào những năm 40 thế kỷ trước, do những biến cố về chính trị cũng như quá trình đô thị hoá tại nên Lò gốm Hưng Lợi đã ngưng hoạt động.
Từ những năm 1990 sau quá trình khảo sát và khai quật, các chuyên gia khảo cổ đã đánh giá những hiện vật, tư liệu có được từ Lò gốm Hưng Lợi sẽ giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về nguồn gốc, kỹ thuật sản xuất, sản phẩm của gốm cổ Sài Gòn cũng như tìm hiểu thêm được đời sống văn hoá, tinh thần của người dân từ thế kỷ 18.
Năm 1998, di tích Lò gốm Hưng Lợi đã được Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao công nhận là di tích khảo cổ học cấp quốc gia.