EU trao tư cách ứng viên cho Ukraine trong ‘thời khắc lịch sử’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 23/6, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) trao cho Ukraine tư cách ứng viên chính thức, tạo nên một bước đi có ý nghĩa lịch sử đối với cả Kiev và EU.
EU trao tư cách ứng viên cho Ukraine trong ‘thời khắc lịch sử’ ảnh 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trong phiên họp đặc biệt của EU ngày 30/5. (Ảnh: Reuters)

Dù sẽ mất hơn 1 thập kỷ nữa để Ukraine có thể tham gia chính thức liên minh, quyết định này được đánh giá là mang ý nghĩa biểu tượng cho ý định của EU nhằm vươn xa tới không gian thuộc Liên Xô cũ.

“Người dân Ukraine thuộc về gia đình châu Âu. Tương lai của Ukraine gắn với tương lai EU. Hôm nay đánh dấu khởi đầu của một hành trình dài mà chúng ta sẽ đi cùng nhau”, quan chức phụ trách đối ngoại EU Josep Borrell phát biểu.

Cuộc xung đột với Nga khiến Kiev chính thức nộp đơn xin cấp tư cách ứng viên, và EU đã thông qua một cách nhanh chóng.

“Tương lai của Ukraine gắn với EU”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky viết trên Twitter. Ông hoan nghênh quyết định của EU là “khoảnh khắc lịch sử độc nhất”.

Sáu năm sau ngày người dân Anh bỏ phiếu chọn con đường ra khỏi EU, láng giềng của Ukraine là Moldova cũng đã được trao tư cách ứng viên, và Georgia – một nước cũng từng thuộc Liên Xô cũ – được thông báo rằng họ sẽ trở thành ứng viên chính thức nếu thực hiện thêm một số điều kiện.

Lãnh đạo EU nhấn mạnh rằng các nước sẽ còn nhiều việc phải làm, sau khi khởi động kế hoạch mở rộng tham vọng nhất kể từ khi một số quốc gia Đông Âu vào EU sau Chiến tranh Lạnh.

“Tôi tin rằng họ (Ukraine và Moldova) sẽ tiến nhanh nhất có thể và làm việc hết sức để thực hiện những cải cách cần thiết”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại một cuộc họp báo.

Tín hiệu gửi đến Nga

Đèn xanh của EU “là một tín hiệu gửi đến Mátxcơva rằng Ukraine, cũng như các nước khác thuộc Liên Xô cũ, không thể thuộc về vùng ảnh hưởng của Nga”, Đại sứ Ukraine tại EU Chentsov Vsevolod nói với Reuters ngày 23/6.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà Nga tiến hành ở Ukraine một phần là do phương Tây xâm phạm vào phạm vi địa - chính trị hợp pháp của Mátxcơva.

Tuy nhiên, đằng sau những phát biểu hùng hồn về việc trao tư cách ứng viên chính thức cho Ukraine và Moldova là quan ngại trong nội bộ EU về cách liên minh này phải duy trì sự gắn kết trong quá trình tiếp tục mở rộng.

Ra đời từ năm 1951 như một tổ chức của 6 quốc gia để điều phối hoạt động công nghiệp, EU giờ đã có 27 thành viên, đang đối mặt với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu đến sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trong tuần này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng EU phải “cải cách quy trình nội bộ” để chuẩn bị tiếp nhận thành viên mới, nêu ra sự cần thiết phải thông qua một số vấn đề quan trọng bằng đa số, thay vì bằng đồng thuận.

Nguyên tắc đồng thuận kìm chân EU trong nhiều vấn đề, vì các quốc gia thành viên có thể chặn hoặc làm chậm quyết định của cả liên minh.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG