Sáng 8/6, tiếp tục phiên chất vấn, nhiều đại biểu quan tâm, gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về vấn đề giá sách giáo khoa. Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) chất vấn, việc kê khai giá sách giáo khoa ra sao, có đưa mặt hàng thuộc diện bình ổn giá hay không?
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc lý giải, việc kê khai giá sách giáo khoa vẫn được doanh nghiệp thực hiện. Nhà nước chỉ thẩm định giá với những loại sản phẩm được mua bằng ngân sách.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: Như Ý) |
Theo ông Phớc, Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT đã họp bàn, thống nhất sẽ báo cáo Thủ tướng, đưa mặt hàng sách giáo khoa vào Luật Giá, nhưng "được quyết định hay không thuộc thẩm quyền Quốc hội".
Tranh luận, đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Giao "không hiểu vì sao" hai năm qua, Ủy ban Văn hóa Giáo dục và Bộ GD&ĐT nhiều lần kiến nghị Bộ Tài chính nhưng chưa thấy trả lời về đề xuất quản lý khung giá sách giáo khoa.
Theo đại biểu, việc này không phải trách nhiệm của riêng Bộ trưởng, nhưng cử tri và đại biểu mong muốn được giải thích rõ là có khó khăn gì trong việc đưa giá sách giáo khoa vào diện bình ổn giá không?
“Chúng ta cứ trả lời sắp tới, sắp tới, nhưng các em học sinh sẽ bị lỡ nhịp”, đại biểu băn khoăn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí. (Ảnh: Như Ý) |
Cùng chất vấn, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng kiến nghị, cần sớm đưa sách giáo khoa vào loại hàng hóa đặc biệt và cần thẩm định giá, đồng thời trợ giá cho học sinh vùng khó khăn càng sớm càng tốt.
“Luật Giá sắp tới cần phải sửa đổi điều này một cách tốt nhất, phục vụ cho các gia đình có con đi học”, ông đề nghị.
Về việc này, Bộ trưởng Tài chính cho rằng, việc trợ giá sách giáo khoa cho học sinh vùng sâu, vùng xa là “rất có ý nghĩa”. Song việc này thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tư lệnh ngành tài chính cũng hoan nghênh việc sách giáo khoa phải kê khai giá trong Luật Giá.