'Không để giá sách giáo khoa tăng tùy tiện, tạo dư luận không tốt trong nhân dân'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Do không có sự hướng dẫn nên nhiều bậc cha mẹ học sinh không rõ sẽ phải lựa chọn đầu sách nào”, đại biểu Quốc hội lưu ý tại phiên thảo luận ở Quốc hội, sáng 2/6.
'Không để giá sách giáo khoa tăng tùy tiện, tạo dư luận không tốt trong nhân dân' ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), gần đây cử tri rất quan tâm tới vấn đề sách giáo khoa bởi giá sách tăng trong khi cuộc sống của số đông người dân chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19. Phần đông dư luận đều cho rằng việc tăng giá sách tạo thêm gánh nặng cho các gia đình có con em đang đi học, nhất là các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, thuộc hộ nghèo.

Tán thành với các giải pháp do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đưa ra trong phiên họp hôm qua (chiều 1/6), với các biện pháp giảm giá sách khá khả thi, đại biểu Nga đề nghị Chính phủ căn cứ vào đề xuất của Bộ GD&ĐT sớm có những biện pháp hữu hiệu quản lý giá sách giáo khoa - một mặt hàng rất đặc biệt, thiết yếu, tránh việc tăng giá tùy tiện, tạo dư luận không tốt trong nhân dân và tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân.

Đại biểu đoàn Hải Dương cũng đề nghị Bộ GD&ĐT rà soát, tinh giản sách giáo khoa theo hướng thống kê danh mục sách giáo khoa bắt buộc đối với từng lớp học, cấp học. Ngoài sách giáo khoa bắt buộc, số sách còn lại, học sinh có thể tham khảo, tùy điều kiện cụ thể để chọn mua hoặc không mua theo nhu cầu.

“Hiện nay, số lượng đầu sách giáo khoa cho học sinh, kể cả bậc tiểu học là quá nhiều, trong đó có những cuốn mang tính chất tham khảo. Nhưng do không có sự hướng dẫn nên nhiều bậc cha mẹ học sinh hoàn toàn không rõ sẽ phải lựa chọn đầu sách nào”, bà Nga cho hay.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư, hỗ trợ thư viện sách giáo khoa dùng chung cho học sinh các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Với sự đầu tư này, học sinh sẽ được mượn sách giáo khoa miễn phí hàng năm và trả lại nhà trường khi năm học kết thúc. Như vậy vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm kinh phí, vừa đỡ gánh nặng cho kinh tế các gia đình vùng khó khăn.

Đề nghị nhân rộng mô hình “thư viện sách giáo khoa”

Tranh luận ngay sau đó, đại biểu Thái Văn Thành (Nghệ An) cho biết, cá nhân ông đồng tình với các ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (trình Chính phủ định khung giá sách giáo khoa; đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá và hướng theo bảo đảm quyền lợi của học sinh và điều kiện kinh tế xã hội của người dân).

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT phải chỉ đạo các trường tăng cường công tác truyền thông để phụ huynh học sinh hiểu sách giáo khoa có hai loại gồm: sách bắt buộc học sinh phải có để học và loại sách bổ trợ, tham khảo.

Từ thực tiễn giáo dục ở địa phương, ông Thành cho biết, Nghệ An có 11 huyện miền núi, đặc biệt là có 6 huyện miền núi cao rất khó khăn. Qua tham mưu, UBND tỉnh xây dựng mô hình “thư viện sách giáo khoa” trên phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Nghĩa là tỉnh dành một phần kinh phí để trang bị sách giáo khoa cho nhà trường, rồi kêu gọi doanh nghiệp, nhà xuất bản tặng sách giáo khoa; kêu gọi các em học sinh khóa trước học xong tặng lại sách giáo khoa để xây dựng thư viện sách giáo khoa.

“Việc làm này giúp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc các cháu vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi có sách để học. Và sách dùng được nhiều lần, tránh lãng phí”, ông Thành đề nghị Bộ GD&ĐT nhân rộng mô hình này ở các địa phương trên cả nước.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.