Ngày 24/12, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) tổ chức hội thảo “Tham vấn các bên liên quan về việc đề xuất áp dụng phương án chi trả dịch vụ môi trường rừng với hoạt động sản xuất cà phê”.
Hội thảo nhằm chia sẻ kết quả thực hiện hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) của tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua, định hướng và tham vấn các bên liên quan về đề xuất áp dụng phương án chi trả dịch vụ môi trường với hoạt động sản xuất cà phê ở Tây Nguyên.
Theo chia sẻ của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2013 đến nay, đơn vị đã thu phí DVMTR từ các công ty thủy điện, cơ sở sản xuất nước sạch, các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước dùng cho sản xuất công nghiệp. Từ năm 2013-2020, đơn vị này thu được 521.629 triệu đồng tiền DVMTR và đã trả cho chủ rừng để bảo vệ rừng tự nhiên.
Vườn cà phê của một hộ dân Đắk Lắk |
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, sản xuất cà phê sử dụng khá nhiều nguồn nước tự nhiên nhưng chưa đóng góp cho quỹ bảo vệ rừng. Tây Nguyên có trên 600 nghìn héc-ta cà phê. Mỗi năm, 1 héc-ta cà phê sử dụng khoảng 3.000-4.000m3 nước. Do đó, việc tiến tới thu phí hoạt động sản xuất cà phê để có nguồn kinh phí đầu tư là bảo vệ rừng tự nhiên.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên- ĐH Quốc Gia Hà Nội) cho biết, việc suy giảm tài nguyên rừng tự nhiên ảnh hưởng nhiều đến nguồn nước hiện nay và thực tế đã diễn ra việc thiếu nước tưới, một phần nước sinh hoạt tại các tỉnh Tây Nguyên vào tháng 2 đến tháng 4 hằng năm. Nếu không có biện pháp bảo vệ và làm phong phú thảm rừng tự nhiên thì tương lai, con người sẽ gánh chịu hậu họa khi việc thiếu nước không chỉ diễn ra vào mùa khô mà còn kéo dài đến giữa mùa mưa.
Chuyên gia cho rằng cần có lộ trình nghiên cứu thu phí dịch vụ môi trường rừng với sản xuất cà phê |
Việc đầu tư kinh phí cho hoạt động bảo vệ rừng là cần thiết và đã được Nhà nước quan tâm thông qua chính sách chi trả DVMTR. Tuy nhiên, để mở rộng thêm nguồn thu cho hành trình bảo vệ bền vững tài nguyên rừng, các chuyên gia đề xuất nên thu phí từ hoạt động sản xuất cà phê; đây không phải tận thu mà thể hiện trách nhiệm, đôi bên cùng có lợi nhằm bảo vệ hệ sinh thái rừng, đảm bảo phát triển cà phê bền vững.
Tại hội thảo, các đại biểu cho hay, cần thời gian, lộ trình để đưa ý tưởng trên trở thành chính sách thể hiện trong quy định pháp luật. Đơn vị chủ trì nghiên cứu cần tham khảo các mô hình đã được triển khai trên thế giới, tham vấn chuyên gia, nhà khoa học; phối hợp các cơ quan nhà nước xác định người trả phí (nông dân trả hay doanh nghiệp, nhà rang xay hay người tiêu dùng...), trả cho ai, trả như thế nào...