Đâu là trọng tâm trong chuyến thăm Đông Nam Á đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ?

0:00 / 0:00
0:00
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken
TPO - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ có chuyến thăm Indonesia, Malaysia và Thái Lan trong tuần tới. Đây là chuyến công du đầu tiên của ông đến Đông Nam Á, nơi Washington đang nỗ lực tham gia nhiều hơn.

Chuyến đi 4 ngày diễn ra sau khi ông Blinken dự hội nghị cùng các ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khác ở TP Liverpool, Anh, vào cuối tuần này, nơi các nhà ngoại giao của Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc và ASEAN sẽ tham dự với tư cách khách mời.

Chuyến thăm của ông Blinken tiếp nối chuyến thăm Campuchia và Indonesia của Cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ Derek Chollet, bắt đầu từ ngày 8/12.

Tại Jakarta, ông Blinken sẽ có bài phát biểu về “tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Còn tại Kuala Lumpur, ông dự kiến sẽ phát biểu về sự cần thiết phải duy trì khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “mở và tự do”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, nói rằng chuyến đi lần này “là ví dụ mới nhất cho thấy sự tham gia bền vững của chính quyền Biden – Harris vào khu vực”.

Ông nói rằng các cuộc gặp của Ngoại trưởng Blinken sẽ tập trung “tăng cường cấu trúc an ninh khu vực nhằm đáp trả hành động chèn ép của Trung Quốc trên Biển Đông” và ông cũng sẽ bàn về “những hành động đơn phương của Trung Quốc trên sông Mekong”.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ sẽ nêu vấn đề về cuộc khủng hoảng đang xảy ra ở Myanmar, nhấn mạnh sự cần thiết phải khôi phục tiến trình dân chủ ở quốc gia này, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Myanmar rơi vào hỗn loạn từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi. Bà Suu Kyi vừa bị kết án 4 năm tù, sau được giảm xuống 2 năm tù.

Cả Washington và Bắc Kinh đều khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong xử lý khủng hoảng ở Myanmar và hỗ trợ kế hoạch “đồng thuận 5 điểm” của khối nhằm khôi phục hoà bình ở quốc gia này.

Tuy nhiên, ông Yin Yihang, nhà nghiên cứu tại Viện Taihe ở Bắc Kinh, nhấn mạnh rằng hai cường quốc làm theo hai cách khác nhau. Là nước láng giềng và đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar, Trung Quốc không chỉ trích chính quyền quân sự từ sau cuộc đảo chính và thúc giục các bên tìm kiếm giải pháp chính trị thông qua đối thoại trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật.

Ông Yin cho rằng Mỹ “muốn điều chỉnh việc hoạch định chính sách ở các nước thành viên quan trọng của ASEAN nhằm lái ASEAN theo hướng Mỹ muốn để xử lý khủng hoảng Myanmar”.

Ông Yin cho rằng Mỹ có thể tăng cường trừng phạt chính quyền quân sự Myanmar để đáp trả việc kết án tù bà Suu Kyi.

Chen Xiangmiao, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam hải ở Hải Khẩu, Trung Quốc, cho rằng Mỹ có thể muốn tìm quan điểm chung với Indonesia để có quan điểm cứng rắn hơn với chính quyền quân sự Myanmar.

Jakarta đang dẫn dắt nỗ lực thúc đẩy đàm phán cấp cao để thuyết phục quân đội Myanmar khôi phục ổn định, trả tự do cho bà Suu Kyi và các lãnh đạo dân chủ khác.

Trong lúc này, quan hệ giữa Jakarta và Bắc Kinh đang căng thẳng vì hoạt động khoan dầu khí của Indonesia ở vùng biển mà cả hai bên đều đòi chủ quyền. Tuy nhiên, ông Chen cho rằng Indonesia khó có khả năng sẽ đứng về phía Mỹ để đối đầu với Trung Quốc. “Những mâu thuẫn đó không nên ảnh hưởng đến tổng thể quan hệ. Đông Nam Á vẫn thận trọng và sẽ không dễ dàng chọn phe”, ông Chen nói.

Theo AP
MỚI - NÓNG