Chàng trai, cô gái thủ khoa chia sẻ cách quản lý thời gian, công việc để không áp lực

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Kiệt sức là trạng thái thường xuyên xảy ra ở các bạn trẻ khi phải đối mặt với khối lượng công việc nhiều, áp lực với bạn bè cùng tuổi và lúng túng trước sự kỳ vọng của gia đình, xã hội. Một trong những giải pháp đầu tiên để hạn chế trạng thái tiêu cực này, bạn trẻ nên đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: "Tại sao người khác hoàn thành được hết công việc, nhiệm vụ học tập trong từng ấy thời gian, còn mình thì không?"

Một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng kiệt sức đã được chính các bạn trẻ chiêm nghiệm ra sau một quá trình học tập, làm việc. Những câu nói so sánh "đùa vui" giữa người này với người kia trong cuộc trò chuyện có thể làm giảm ý chí của người bị so sánh, dẫn đến cảm giác “mình không giỏi” khi nhìn vào thành tích của người khác. Nhiều bạn coi đây là động lực cho bản thân nhưng cũng là những câu nói làm giảm động lực, cảm hứng nếu không biết áp dụng đúng cách. Cũng có bạn chưa khi nào hài lòng với chính bản thân mình và thường tự tạo áp lực cho bản thân rằng phải thành công "giống ai đó" trong tương lai.

Chàng trai, cô gái thủ khoa chia sẻ cách quản lý thời gian, công việc để không áp lực ảnh 1

Ảnh minh họa: Internet

Đặc biệt, trạng thái bị quá tải còn đến từ việc bạn phải đối mặt với khối lượng công việc chồng chất nhưng lúng túng không biết làm gì trước, làm mãi không hết, thi thoảng lại bỏ sót nhiệm vụ quan trọng.

Bàn luận về cách quản lý thời gian để không cảm thấy quá tải, một số bạn trẻ chia sẻ các tips sắp xếp thời gian biểu, phân chia công việc hiệu quả:

Lập kế hoạch theo ngày, tuần, tháng và học cách từ chối khi đã có deadline sẵn

Bạn Phương Khanh (SN 1999, tốt nghiệp thủ khoa Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng cách sắp xếp, quản lý thời gian còn quan trọng hơn việc bạn thông minh bao nhiêu.

"Mình là một đứa hay quên nên thường lập timeline công việc cụ thể (ít nhất là trước 2 tuần) để theo dõi và phân chia nhiệm vụ học tập, đặc biệt là công việc đột xuất. Thi thoảng mình lập "mục tiêu ngày" (ví dụ như các công việc, nhiệm vụ phải hoàn thành trước 22h mới được giải trí chẳng hạn) để không nhàm chán.

Khi lập timeline cho 2 tuần gần nhất thì nên lưu ý tránh để dồn 2 - 3 hoạt động trong một ngày để đề phòng trường hợp có các công việc thông báo sau này hoặc đột xuất.

Quan trọng hơn, bạn nên học cách từ chối nếu có timeline sẵn. Khi thấy bản thân đã có quá nhiều công việc trong ngày thì không nên nhận thêm hoặc đề xuất chuyển ngày (tự linh hoạt giữa các công việc)", nữ sinh chia sẻ cách sắp xếp thời gian của bản thân.

Nhìn nhận lại chính bản thân, Phương Khanh thừa nhận cô cũng đã rơi vào trạng thái kiệt sức trong thời gian làm khóa luận tốt nghiệp:

"Mình chọn đề tài đặc thù nên mất thời gian đi kiếm tư liệu, chạy đi khắp nơi để tìm nhưng lúc tìm ra nguồn tài liệu thì chỉ còn một tháng để nộp bài. Vì độ khó và rộng của đề tài ban đầu nên mình quyết định đổi đề tài trước thời hạn nộp 2 tuần. Lúc đó, mình áp lực khi thấy các bạn đều đã hoàn thành hoặc gần hoàn thành, được duyệt gần hết trong khi mình vẫn phải sửa lại nhiều lần và làm lại hoàn toàn. Mình nghĩ mình yếu kém thật, chỉ có thể là năng lực không bằng các bạn xung quanh nên mới chậm chạp.

Không chỉ vậy, thời gian đi học và đi làm khác hẳn nhau. Khi đi làm lại phải bước từng bước một, thận trọng và chăm chỉ để có được những thứ mình mong muốn".

Chàng trai, cô gái thủ khoa chia sẻ cách quản lý thời gian, công việc để không áp lực ảnh 2

Nữ sinh trường Báo cũng cho rằng, việc lên mạng xã hội "kêu trời" vì deadline không phải giải pháp hiệu quả giúp cô "thoải mái" hơn: "Khi có nhiều công việc, mình không còn thời gian để lên mạng xã hội kêu than với bạn bè. Mình cảm thấy việc chia sẻ lên mạng xã hội cũng không giúp ích được gì mà công việc cũng không ít đi".

Không "gánh team", nên nuông chiều bản thân khi kiệt sức

Chia sẻ thêm về cách sắp xếp, cân bằng thời gian giữa việc học và thư giãn, bạn Ngô Minh Hiếu (SN1998, tốt nghiệp thủ khoa Đại học Kiến trúc Hà Nội) nói:

"Đầu tiên, cần có cái nhìn tổng quát: Nếu bạn có nhiều nhiệm vụ trong ngày, hãy sắp xếp ra lịch làm việc cá nhân/ sổ tay cá nhân và đặt deadline theo sự ưu tiên. Khi bạn có một cái nhìn toàn cảnh về các nhiệm vụ thì sẽ không bị sợ hãi khi phải thực hiện chúng.

Thứ hai, hãy chia sẻ với bạn bè. Việc phải “gánh team” nhiều khi cũng là điều tồi tệ với bản thân. Mình đã trải qua việc “gánh team” rất nhiều nên mình hiểu điều đó gây hại như thế nào. Vì vậy để tránh trường hợp "gánh team" thì nên tìm cách phân chia công việc đều cho mọi người, khi có người cùng làm, động lực làm việc cũng sẽ tăng lên và có thể đạt được kết quả cao hơn. Không nên quá ôm đồm mà hãy làm những thứ thực sự cần thiết.

Những lúc không còn sức lực hoặc trí lực để làm gì thì mình không cố làm bằng mọi giá mà nuông chiều bản thân một chút bằng những việc giải trí như nghe nhạc, xem phim, nấu ăn, hoặc thậm chí là đi ngủ... Sau khi đã có được cảm xúc tốt hơn mình mới lại làm việc, mình nhận thấy sau khi được giải trí thì mình sẽ làm việc hiệu quả hơn.

Mình khá linh hoạt trong việc làm như thế nào để vượt qua các rào cản khi học tập và làm việc, nhưng có một thứ mình nghĩ luôn giúp bản thân vượt qua mọi thứ là luôn giữ một tinh thần lạc quan, mình luôn nghĩ nhất định sẽ hoàn thành nó, thêm vào đó mình luôn tìm cách gây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người, khi đó mình càng có nhiều động lực để làm việc".

Chàng trai, cô gái thủ khoa chia sẻ cách quản lý thời gian, công việc để không áp lực ảnh 3

Nói về sức khỏe thể chất, Hiếu nhiều lần rơi vào trạng thái kiệt sức, đó là khoảng thời gian sau những lần phải chạy deadline đồ án thâu đêm suốt sáng, chạy dự án trên công ty hoặc chạy sự kiện cho khoa, cho trường… Khi ấy, Hiếu đã bị choáng và ốm cả tuần liền. Nhưng khi đã quen với việc phải thức thâu đêm và làm việc cường độ cao như vậy, cậu bạn đã biết cách sắp xếp công việc để phân phối thời gian nghỉ ngơi hợp lý, và dường như sức khỏe thể chất cũng quen dần, có sức bền hơn sau 5 năm đại học.

MỚI - NÓNG