Bùng nổ phim về thế hệ 8X

Bùng nổ phim về thế hệ 8X
Một thế hệ 8X ưa tìm tòi, khám phá thế giới, muốn khẳng định cái tôi theo cách của mình... đang được các nhà làm phim chú ý. Hàng loạt phim được tung ra. Nhu cầu của giới trẻ đang được nhận diện...

Đạo diễn Trọng Trinh, từng có kinh nghiệm làm phim về giới trẻ như Ngày hè sôi động, Nấc thang mới, quan niệm: “Nhu cầu của giới trẻ trước hết là chứng tỏ được mình. Tuổi trẻ thì phải có lửa, phải nuôi khát vọng đổi mới. Tất nhiên họ khó tránh khỏi vấp ngã. Nhưng họ phải được phép, được quyền vấp ngã chứ!

Theo tôi, cuộc đời chẳng bao giờ toàn màu hồng, giới trẻ cũng phải ngấm cái đau của thất bại, không phải ai trong họ cũng dễ vượt qua. Có đau mới lớn lên được. Những cảm xúc của giới trẻ 8X hôm nay bạo dạn, nhanh nhạy hơn.

Trên trường quay, tôi nói với các diễn viên trẻ là họ được quyền sửa thoại thoải mái cho hợp với cách ăn nói của thế hệ hôm nay để nâng cao tính biểu đạt, gần gũi với cuộc sống”.

Nhu cầu thể hiện cái tôi của thế hệ 8X cũng muôn hình vạn trạng. “Đó là tuổi của sự tìm tòi, khám phá thế giới, khám phá theo kiểu vừa biết lại vừa không biết gì! Đó là tuổi muốn khẳng định cái tôi theo cách của họ, vừa bồng bột ngây thơ, vừa thông minh sắc sảo nhưng cũng đầy sai lầm. Tất cả đều đáng yêu, vì khi trẻ người ta có quyền đúng và sai, quan trọng là sau sự đúng hay sai đó họ rút ra được điều gì để sống tiếp”, nhà văn - biên kịch Nguyễn Thị Thu Huệ nói.

Chị cung cấp thêm những kinh nghiệm tiếp cận giới trẻ: “Tôi đã từng biên tập chín tập phim Phía trước là bầu trời, viết kịch bản 3 tập Xin hãy tin em (cả hai đều cùng một đạo diễn Đỗ Thanh Hải, do VFC sản xuất). Hai phim đó được các bạn trẻ đón nhận rất nồng nhiệt.

Một số nhân vật trong phim như Hoài Thátchơ (Xin hãy tin em), số phận những cô gái sống trong nhà trọ (Phía trước là bầu trời)... còn sống tới bây giờ. Những người làm phim - tôi, đạo diễn Thanh Hải, quay phim Trần Anh Phương và các diễn viên - cùng sống lại những ngày tháng còn là sinh viên, cười và khóc cùng nhân vật, chứ không ai có ý định làm phim nhằm giáo dục hay dạy dỗ thế hệ trẻ phải thế này thế nọ.

Tôi vẫn thích viết và làm phim về tuổi trẻ, có lẽ vì tôi cũng thích nghịch, đồng cảm với cái nghịch của các bạn trẻ. Tôi vừa viết xong một kịch bản dài khoảng 20 tập Với tay là đến, với muôn mặt đời sống thời hiện đại”.

Một sự kiện gây chú ý gần đây: thuộc thế hệ mới đang lên, nhà quay phim Trinh Hoan tự đứng ra lập hãng phim (HK Film) để mặc sức làm phim cho chính giới trẻ. Phim đầu tiên của hãng nội cái tên phim Tuổi 20 cũng đủ hiểu đâu là sự chọn lựa... 

“Chúng tôi muốn xây dựng hình ảnh về một thế hệ trẻ năng động, tự lập, hướng thiện. Họ là những người tốt mà sành điệu, không phải là người tốt cù lần. Nghĩa là biết thưởng thức cuộc sống”, Trinh Hoan nói. Kịch bản dài 30 tập, do Vũ Ngọc Đãng viết đồng thời đạo diễn.

Đãng tâm sự: “Tôi cũng từng hoang mang, ngờ vực chính mình, mang mặc cảm chạy trốn, và điều này tôi thể hiện trong phim Chuột. Ai trong thế hệ trẻ lại không từng rơi vào trạng thái hoài nghi, trên đường tìm kiếm những cách phát biểu cái tôi trong cuộc sống. Hoài nghi để rồi tự tin. Không phải nói tôi hay hơn, mà do tôi biết mình khác với người khác”.

Và hơn nữa…

Bùng nổ phim về thế hệ 8X ảnh 1
Nhóm bạn sinh viên trong phim Ban mai xanh

Trong thời gian tới sẽ có lần lượt hai phim truyện nhựa tung ra rạp, không hẹn mà gặp cũng đều là phim về thế hệ 8X. Phim nhựa Gió thiên đường (Hãng phim Giải Phóng, phát hành vào dịp Noel 2005) của đạo diễn trẻ Lâm Lê Dũng.

Gió thiên đường là cái đẹp của mối tình đầu, không có sự tính toán, chỉ có trái tim mà thôi”, Dũng cười mở đầu câu chuyện, trong thời điểm đang làm hậu kỳ cho phim.

“Giới trẻ hôm nay rất nhanh để có một quyết định. Trong phim của tôi còn có một đôi bạn trẻ khác, họ ăn nằm với nhau nhưng sau đó chia tay thì cũng không khóc lóc sụp đổ, thậm chí sự chia tay đó là do cô gái rất bản lĩnh bỏ đi. Chỉ vì cô gái ấy nhận ra không có tình yêu”.

Rất mạnh mẽ, tràn đầy sức sống. Dù vậy, trong cuộc trò chuyện, Lâm Lê Dũng vẫn nhăn nhó nhiều lắm… Đâu là băn khoăn khi làm phim về thế hệ 8X?

“Theo tôi, phim làm về đề tài giới trẻ hiện nay thiếu nhiều điều và cũng dư nhiều điều. Thiếu những điều muốn diễn tả đến tận cùng, như dám thẳng thắn đề cập về sự tò mò và khẳng định cá nhân thông qua biểu hiện giới tính, luyến ái, mà những gì không được hiểu tận cùng, chỉ lớt phớt sẽ khiến phim trôi tuột đi.

Và dư những điều mà trên báo chí từng xuất hiện nhan nhản, phim lặp lại nhưng không mạnh mẽ cho bằng, phim mà được nói như báo chí thì... cũng may cho phim”.

Đi trước một bước, đạo diễn Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn, 29 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ nghệ thuật tại Viện Cao học nghệ thuật California, về nước làm bộ phim nhựa đầu tay 1.735km (Hãng phim Kỳ Đồng sản xuất). Phim này sẽ ra mắt sớm nhất, trong tháng chín năm nay.

Cả một êkip làm phim toàn người trẻ, ngoài đạo diễn còn có biên kịch Nguyễn Lê Phương Khanh mới 21 tuổi, họa sĩ thiết kế Nguyễn Thu Hương 24 tuổi cùng với hai nhà tạo mẫu Jennifer Rapp 18 tuổi, Jonathon Chen 19 tuổi, kỹ sư âm thanh Nguyễn Trung Hùng 24 tuổi!

“Bộ phim tôi kể về một cuộc hành trình dọc đường đất nước của đôi bạn trẻ, đồng thời đó cũng là hành trình cho mỗi người tự khám phá mình. Vâng, tự khẳng định bản thân là rất quan trọng.

Nhưng tôi nghĩ đó chỉ là bước ban đầu. Còn bước tiếp theo là gì thì... ngay lúc này tôi cũng chưa biết! Làm sao thế hệ trẻ chúng tôi có thể đưa ra một đáp án khi sự khám phá không bao giờ có điểm dừng?”, đạo diễn Tuấn thẳng thắn cho biết.

Theo đó, 1.735km có một kết mở, không nói rõ kết cuộc về mối quan hệ của đôi bạn trẻ trong phim. Lý do được đạo diễn giải thích: “Thành công của một bộ phim không phải là thuyết phục khán giả về một kết luận, mà là bộ phim có kích thích được khán giả tự mình đặt ra câu hỏi hay không, sau khi rời khỏi rạp”.

Đã đến lúc vấn đề làm phim về thế hệ trẻ nên đặt trên một cái nhìn mới: cái nhìn mở, không đưa ra những đáp án có sẵn. 

MỚI - NÓNG