QH thảo luận về Luật PCMT, Đề án quản lý người sau cai nghiện:

Luật hóa trách nhiệm của chính quyền trong phòng, chống tệ nạn ma túy

Luật hóa trách nhiệm của chính quyền trong phòng, chống tệ nạn ma túy
TP- "Là cán bộ y tế, tôi khẩn thiết đề nghị QH duy trì và luật hóa hai giai đoạn cai nghiện - đặc biệt với người tiêm chích heroin, còn phục hồi nhân phẩm thì cần thiết với mọi người nghiện”- ĐB Trần Đông A (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận sáng qua (16/5).

Nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội đề nghị làm rõ khái niệm “người có nguy cơ tái nghiện cao” là gì để quyết định đưa họ vào diện cần quản lý, dạy nghề tập trung sau cai. “Hầu hết người nghiện đều có thể tái nghiện trở lại vì môi trường, gia đình, thu nhập… nhưng không thể đưa hết người sau cai vào quản lý tập trung được” - ĐB Võ Văn Đủ (Đăk Nông) đề nghị.

ĐB Trần Đông A phát biểu: “Nghiện ma tuý là bệnh mãn tính về thần kinh, người nghiện heroin tính chất nghiêm trọng hơn nhiều, đó chính là những người có nguy cơ tái nghiện cao nhất”. Ông đề nghị, phải coi giai đoạn hậu cai nghiện là chính sách đảm bảo an sinh xã hội, chính sách nhân đạo, giúp người nghiện phục hồi nhân cách.

“Nhà nước cần hỗ trợ người nghiện chữa bệnh bằng hình thức kéo dài thời gian tập trung, học nghề sau cai, có ưu đãi những DN tham gia tạo việc làm cho họ”- ĐB Nguyễn Thị Vân (Hà Tĩnh) đề nghị.

Về hình thức cai nghiện, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị  quy định cai tại cộng đồng, gia đình là hình thức tự nguyện, nhưng cần làm rõ các điều kiện đối với mô hình này. Bà Hà cho rằng, sau 12 tháng, nếu vẫn nghiện thì bắt buộc cai tại cơ sở tập trung. ĐB Giàng A Chu (Yên Bái) đồng tình với việc quy định có 3 hình thức cai nghiện “cai tại cộng đồng hiệu quả thấp nhưng huy động được nguồn lực xã hội hoá” - ông nói. Với những trường hợp có nguy cơ cao, thì nên kéo dài thời gian sau cai ít nhất là 1 năm.

ĐB Lê Thành Tâm (TPHCM) khẳng định hiệu quả của mô hình quản lý sau cai tại TPHCM đã giúp cho hơn 32.000 người giữ đựơc mạng sống, thoát khỏi ma tuý, trở về gia đình: “Sau 5 năm thí điểm, số người nghiện mới vào trại giảm hẳn, tỷ lệ lây lan về AIDS cũng giảm từ 80% năm 2002 còn 42% hiện nay”. Ông Tâm đề nghị kéo dài thời gian sau cai 1 - 2 năm với đối tượng có nguy cơ cao.

Đừng dồn hết trách nhiệm về xã, phường!

"Tệ nạn ma túy ở nước ta cũng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Hiệu quả các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn để giảm cung, giảm cầu còn hạn chế. Trên 20 vạn lượt người nghiện được cai nhưng tỷ lệ tái nghiện rất cao. Đến cuối 2007, toàn quốc có 178.305 người nghiện ma túy có hồ sơ kiểm soát, mỗi năm tăng trên dưới 1 vạn người nghiện mới". (Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy)

“Xã phường không phải là cái túi đựng mọi thứ, nếu quy định giao cơ sở chịu trách nhiệm quản lý cai nghiện, dạy nghề sẽ rất khó khăn vì không đủ lực”- ĐB Giàng A Chu (Yên Bái) nói. Nhiều đại biểu cho rằng, nên chọn và tổ chức đào tạo nghề cho học viên sau cai vào cơ sở tập trung, không nên dồn trách nhiệm này cho cơ sở.

 “Ở miền núi, trường học, trụ sở làm việc còn thiếu thốn, làm sao chính quyền xã có thể lo đào tạo nghề cho người sau cai, nếu được thì quy định cho cấp huyện thành lập các cơ sở này”- ĐB Vi Thị Khương (Điện Biên) kiến nghị. Nhiều đại biểu cho rằng, cơ sở sau cai nên do Bộ LĐ-TB&XH đứng ra tổ chức, những cơ sở này có thể thành lập theo vùng, có quy định chặt chẽ.

ĐB Hồ Quốc Dũng (Bình Định) đề nghị quy định rõ về cơ quan chủ trì phòng chống tệ nạn ma túy, nếu thấy Ủy ban quốc gia phòng chống ma túy và Ban chỉ đạo các tỉnh làm tốt thì nên luật hóa. Ông Dũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm của chính quyền huyện, tỉnh trong công tác phòng chống tệ nạn ma túy vì luật chưa nhắc đến. “Chính quyền tỉnh phải chịu trách nhiệm với Chính phủ, làm yếu phải xử lý, tránh tình trạng làm cũng được, không làm cũng xong”- Ông Dũng nói. 

MỚI - NÓNG