Trên boong chiến hạm Mỹ cập cảng Hải Phòng

Trên boong chiến hạm Mỹ cập cảng Hải Phòng
TP- Sáng 14/11, hai tàu Hải quân Hoa Kỳ gồm USS Guardian và USS Patriot đã cập cảng Hải Phòng trong chuyến thăm từ ngày 14 - 18/11. Trên mỗi tàu này có 90 thủy thủ và sĩ quan.
Trên boong chiến hạm Mỹ cập cảng Hải Phòng ảnh 1
Đại tá Đỗ Viết Cường (phải) Phó Tham mưu trưởng Quân chủ Hải quân đón Hạm trưởng tàu Guardian Steve de Moss. Ảnh: Đ.P

Ngay sau khi cập cảng Hải Phòng, Hạm trưởng tàu USS Guardian Steve deMoss và Hạm trưởng tàu USS Patriot Thomas E. Shultz đã đến chào đoàn quan chức và sĩ quan quân đội Việt Nam dưới sân cảng, gồm các ông Hoàng Xuân Sơn, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Hải Phòng; Đại tá Đỗ Viết Cường, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân; và Thượng tá Trần Kim Long, Phó Chánh văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 3.

Trong thời gian ở thăm Hải Phòng, dự kiến các sĩ quan và thủy thủ của hai tàu quân sự Hoa Kỳ tới tham quan một số danh lam thắng cảnh của thành phố Hải Phòng; tham gia thực hiện các dự án trợ giúp cộng đồng cùng các đối tác Việt Nam; và giao lưu văn hóa, thể thao với cán bộ chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam và Quân khu 3.

Đây là lần thứ 5 tàu Hải quân Hoa Kỳ ghé thăm cảng Việt Nam kể từ năm 1995 khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Đặc ân cho các nhà báo

Sau lễ chào xã giao ngắn gọn và đơn giản trên sân cảng, đoàn nhà báo Việt Nam và quốc tế được mời lên tham quan tàu USS Guardian. Con tàu này khá nhỏ, chỉ dài hơn 68m, rộng 11,9m, sức chở 1.312 tấn.

Hai tàu Guardian và Patriot là tàu chuyên để phá thủy lôi lớp Avenger, kích cỡ bằng nhau, tốc độ tối đa 14 hải lý/giờ. Bảng các thông số kỹ thuật của tàu này chỉ rõ, tàu được lắp 4 động cơ diesel với hai chân vịt.

Trên boong trang bị hỏa lực nhẹ gồm hai khẩu súng máy hai nòng, hai súng máy M - 60, hai súng phóng lựu MK - 19 40 ly. Cầu thang lên xuống các tầng và lối đi trong tàu Guardian khá hẹp khiến chúng tôi phải chờ đợi nhau lựa bước mới di chuyển được.

Tại những ngã rẽ trên tàu luôn có những thủy thủ đứng chỉ đường cho đoàn phóng viên. Các sĩ quan và thủy thủ đều rất trẻ, có người mới bước sang tuổi 18. Người nào cũng mong được lên bờ thành phố cảng Hải Phòng để tham quan và tham gia các hoạt động giao lưu, giúp đỡ cộng đồng.

Trên boong chiến hạm Mỹ cập cảng Hải Phòng ảnh 2
Chiến hạm Mỹ cập cảng Hải Phòng. Ảnh: Đại Phượng.

Tại một diện tích rộng khoảng 6 m2 vừa để làm phòng ăn, vừa làm phòng họp trên tàu Guardian, hai Hạm trưởng Steve deMoss và Thomas E. Shultz cho biết hai chiến hạm này thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ. Trong thời kỳ chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, Hạm đội 7 hoạt động mạnh tại khu vực Vịnh Bắc Bộ. Căn cứ hiện nay của hai chiến hạm này đặt tại một hòn đảo nhỏ thuộc tỉnh Nagasaki, miền nam Nhật Bản.

Trên cả hai chiến hạm không có người Mỹ gốc Việt nào. Các Hạm trưởng cho biết, đây là hai chiến hạm đặc thù trong lực lượng Hải quân Hoa Kỳ không có nữ làm việc trên tàu.

Trước khi cập cảng Hải Phòng, hai tàu Guardian và Patriot từng đến thăm hữu nghị các cảng của Nga, Hong Kong, Singapore, Thái Lan. Riêng tàu Patriot hồi tháng 7/2006 đã đến thăm thành phố Hồ Chí Minh.

Hải đồ lạc hậu

Sĩ quan hoa tiêu tàu Guardian cho biết, khó khăn lớn nhất của anh khi dẫn con tàu này vào cập cảng Hải Phòng là không có hải đồ cập nhật đầy đủ. Chỉ vào tấm hải đồ cảng Hải Phòng trải trên bàn, người sĩ quan hoa tiêu cho biết đây là tấm hải đồ mới nhất mà Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ có về luồng lạch vào cảng Hải Phòng.

Tấm hải đồ này được cập nhật cách đây 19 năm trong khi Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng trong 20 năm qua phát triển rất nhanh. Tất cả đều đã thay đổi.

Chỉ trên tấm hải đồ, người hoa tiêu này vừa cười vừa nói: Các luồng lạch thể hiện trên hải đồ của tôi giờ đây trên thực tế đã là trên đất liền. Cảng Hải Phòng đã được nạo vét mới cho phép các tàu lớn hơn vào ăn hàng. Sĩ quan hoa tiêu đã phải vừa dò vừa phải tránh các tàu vận tải ra vào cảng Hải Phòng tấp nập.

Các sĩ quan và thủy thủ chúng tôi gặp trên tàu đều cởi mở sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào của phóng viên. Rất nhiều sĩ quan trên tàu Guardian khoe ảnh vợ mình là người Nhật Bản. Với các câu hỏi tế nhị về lương, bổng của các sĩ quan và thủy thủ các anh cũng không tránh né.

Một sĩ quan cho biết, anh hiện đang hưởng mức lương kịch trần của bậc sĩ quan với thâm niên 7 năm thì mỗi tháng được nhận 3.500 USD. Mức lương như vậy tuy không phải là cao so với mức sống ở Nhật Bản nhưng cũng tạm đủ cho một gia đình nhỏ 3 người.

Trên boong chiến hạm Mỹ cập cảng Hải Phòng ảnh 3
Ảnh: Đại Phượng

Người thủy thủ trẻ nhất mới vào nghề được nhận mức lương khởi điểm là 1.000 USD. Mức lương này sẽ được tăng dần lên theo cấp bậc và thâm niên.

Thiết bị phá thủy lôi hiện đại

Trên cả hai chiến hạm Guardian và Patriot đều được lắp hai bộ thiết bị phá thủy lôi trong đó một bộ làm việc, bộ kia dự phòng. Thiết bị này trông giống một chiếc tàu ngầm nhỏ dài 3m, cao 1,5m được lắp một cánh tay máy, hai camera ở phần mũi và đuôi.

Thiết bị phá thủy lôi này được nối với những quả phao để điều chỉnh độ nông sâu để tìm các vị trí khác nhau của thủy lôi. Để phá thủy lôi có hai cách.

Thứ nhất, thả thiết bị phá thủy lôi xuống nước sau khi thiết bị được nối một cuộn dây điện lớn bằng cổ tay dài khoảng 1.000 m. Dây điện có nhiệm vụ vừa cung cấp điện cho thiết bị, vừa neo kéo thiết bị theo con tàu. Thiết bị phá lôi sẽ phát ra một rung chấn mạnh với tần số tương tự như rung chấn từ trường phát ra từ một con tàu lớn để đánh lừa thủy lôi. Khi bắt được các tần số như vậy, thủy lôi sẽ bị kích hoạt và tự nổ cách đuôi tàu khoảng 1 km.

Cách thứ hai, nhờ hệ thống ra đa trên tàu, các sĩ quan phát hiện được quả thủy lôi. Lập tức các thiết bị tính toán tự động rồi định vị quả thủy lôi cần tiêu diệt. Lúc này một cánh tay máy từ thiết bị phá lôi nói trên được điều khiển từ xa qua hệ thống camera vươn ra cắt đứt dây neo thủy lôi để vật nổ này nổi lên mặt nước dễ dàng cho việc kích nổ tiêu diệt.

Khi trả lời câu hỏi của phóng viên, một sĩ quan trên tàu cho biết đến nay hai chiến hạm này chưa thực sự phá được quả thủy lôi nào ngoài một vài lần phát hiện được thủy lôi trong những lần tập trận!

MỚI - NÓNG