Vừa đến TP. Buôn Ma Thuột, nhóm bạn Nguyễn Phương Ly dừng ngay ngã sáu chụp ảnh lưu niệm. Phương Ly quê ở Gia Lai, vào TPHCM làm công nhân đã được 3 năm. Những năm trước, chị cũng đi xe máy về quê ăn Tết nhưng đi với đoàn rất đông. Năm nay, do dịch COVID-19 nên chị chỉ rủ nhóm bạn thân cùng chạy xe máy về quê cho an toàn.
Các "phượt thủ" dừng xe tại Đắk Lắk |
Trong khi đó, nhóm của Hương (huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) Bình Dương lựa chọn đi xe máy từ Bình Dương về quê vì muốn chủ động được thời gian, tiết kiệm chi phí.
“Mình chạy xe về quê cũng được khoảng 10 lần. Đi xe máy, mình cảm nhận được không khí Tết đang về, niềm hạnh phúc khi được đi chung cùng những người bạn thân. Đây là cảm giác mà khi đi xe khách hoặc các phương tiện khác khó mà có được”, chị Hương chia sẻ.
Nhóm của chị Hương về quê ăn Tết |
Cùng đi xe máy về quê ăn Tết nhưng anh Lê Văn Đức (Gia Lai) không về thẳng nhà mà tranh thủ ghé thăm người bạn ở huyện Cư M’gar (Đắk Lắk).
“Mình xuất phát từ TPHCM vào 20h hôm trước. Đến 9 giờ sáng nay, mình mới về tới TP. Buôn Ma Thuột. Bây giờ mình về nhà người bạn ở Cư M’gar rồi mới về nhà”, anh Đức nói và cho hay, đã tự chạy xe máy về quê được 5-6 lần. Mỗi lần đi, anh thường chuẩn bị đồ ăn, dụng cụ sửa xe. Lúc đi, anh luôn tập trung tinh thần để xử lý khi có tình huống bất ngờ xảy ra.
“Đi đường xa vào ban đêm giữa trời lạnh nên rất mệt. Bù lại, mình được ngắm cảnh đẹp của núi đèo, và nghĩ đến cảnh chuẩn bị được đoàn tụ người thân nên rất vui” anh Đức tâm sự.
Nhóm anh Dương hỗ trợ đoàn về quê ăn Tết |
Nhiều lần làm trưởng đoàn dẫn nhóm anh em 47 M1 (cùng ở huyện Krông Pắc, Đắk Lắk), anh Hà Văn Dương (làm việc tại Bình Dương) cho biết: “Đợt này, nhóm mình có khoảng 100 xe cùng về. Mình bị say ô tô, nên xe máy là lựa chọn tối ưu. Mình cũng thích cảm giác đi phượt bằng xe máy, vừa chủ động thời gian lại đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đi cùng nhóm nên anh em dễ hỗ trợ lẫn nhau khi xe hết xăng hoặc hư hỏng…”, anh Dương cho hay.
Ông Nguyễn Quang Thuân- Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đắk Lắk cho biết, tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể, song qua theo dõi, lượng người về quê ăn Tết trên địa bàn tỉnh ít hơn mọi năm. Theo ông tìm hiểu, các doanh nghiệp ở tỉnh thành phía Nam có nhiều chính sách hỗ trợ, trả công thu hút lao động ở lại làm việc. Ngoài ra, nhiều lao động mới trở lại nơi làm việc được vài tháng nên ít về quê đón Tết.