Phương án thoát cảnh “đại gia vô sản” của VEC

VEC đang đứng trước những bước cải tổ lớn nhất từ ngày thành lập (ảnh chụp Cao tốc Nội Bài - Lào Cai).
VEC đang đứng trước những bước cải tổ lớn nhất từ ngày thành lập (ảnh chụp Cao tốc Nội Bài - Lào Cai).
TP - Là chủ đầu tư 5 cao tốc, nhưng Tổng cty Ðầu tư và phát triển Ðường cao tốc Việt Nam (VEC) như ông chủ vô sản. Hiện VEC đang đề nghị các phương án đột phá để tiếp tục giữ vai trò chủ lực quốc gia về cao tốc.

Tăng lực cho “cậu bé cõng núi”

Cách đây 11 năm, VEC ra đời với sứ mệnh hiện thực hóa hệ thống cao tốc quốc gia. Ðược cấp 1 nghìn tỷ đồng giắt lưng (50 tỷ đồng trực tiếp, còn lại cấp quyền thu phí tại 2 trạm trong 10 năm), VEC bước vào lĩnh vực đắt đỏ nhất của hạ tầng đường bộ.

Ðến nay, VEC nắm trong tay 5 cao tốc; trong đó, 3 cao tốc đã hoàn thành (Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây), 2 cao tốc đang xây dựng (Ðà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành). Tổng vốn đầu tư 5 cao tốc này hơn 125.572 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp của Nhà nước là 71.569 tỷ đồng, VEC huy động 54.003 tỷ đồng. Các cao tốc này đã, đang và sẽ có đóng góp đặc biệt quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Với số vốn 1 nghìn tỷ đồng ban đầu - nói như ông Trần Xuân Sanh (Nguyên Tổng GÐ, Chủ tịch VEC), Tổng công ty như chú bé tý hon cõng núi khổng lồ. Và chú bé hạt tiêu VEC đã cõng được, thực hiện thành công mô hình xã hội hóa đầu tư cao tốc. Nhưng thành công đó đang đẩy Tổng công ty này vào tình cảnh rủi ro cao về tài chính vì tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của VEC hơn 53 lần trong khi đó theo quy định của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước không được tự huy động vượt quá 3 lần vốn điều lệ.

Ðể nâng cao năng lực tài chính và giảm rủi ro, VEC đang đề nghị Chính phủ tăng vốn điều lệ lên 22.161 nghìn tỷ đồng. Vốn điều lệ bổ sung này được chuyển tiếp từ số tiền mà Nhà nước trực tiếp đầu tư vào các cao tốc; không cần tìm nguồn mới.

Chủ tịch VEC Trần Quốc Việt cho hay, được bổ sung vốn điều lệ, VEC mới có đủ tư cách pháp nhân lẫn tiềm lực để đầu tư mới, trước hết là thực hiện mục tiêu xây dựng được 1.000 km cao tốc mà Bộ trưởng GTVT giao.

Ðến nay, phương án này nhận được sự đồng tình của nhiều bộ ngành. Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Ðông đưa ra tính toán (theo các quy định hiện hành), vốn cần bổ sung cho VEC là hơn 38 nghìn tỷ hoặc 72 nghìn tỷ. Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm hơn 21 nghìn tỷ đồng của VEC được cho là “phù hợp với quy định pháp luật và tình hình thực tế”.

Muốn tự bù lỗ

Khi các cao tốc đưa vào khai thác, lưu lượng xe và doanh thu phí của cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai và TPHCM- Long Thành - Dầu Giây đều vượt xa dự tính, cải thiện dòng tiền của VEC. Tuy nhiên, “siêu” cao tốc dài 245 km Hà Nội - Lào Cai và cao tốc Ðà Nẵng - Quảng Ngãi không thể tự cân đối.

Theo số liệu cập nhật của Bộ GTVT vào tháng 9/2015, mức thiếu hụt dòng tiền tại cao tốc Ðà Nẵng - Quảng Ngãi và Nội Bài - Lào Cai từ khi khai thác đến năm 2030 lên đến 22.050 tỷ đồng.

Với tình hình như vậy, nguồn cấp bù thường được nghĩ ngay đến bầu sữa ngân sách. Ðể tháo gỡ tình thế và thể hiện khả năng cáng đáng vị trí đầu tàu về cao tốc của quốc gia, VEC báo cáo Bộ GTVT, đề nghị Bộ kiến nghị Chính phủ cho phép VEC đứng ra ký hợp đồng khai thác đồng thời 5 dự án và được chủ động thu xếp bù đắp khoản thiếu hụt trên cơ sở hòa chung dòng tiền 5 dự án. 

Với phương án này, Nhà nước sẽ không phải cấp bù cho dự án. Cụ thể, từ nay đến năm 2030, VEC tự cân đối được 20.360 tỷ đồng; phần còn lại (1.690 tỷ đồng) được thu xếp từ nguồn phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc vay ngân hàng.

Bộ GTVT vừa họp với Bộ Tài Chính và Bộ Kế hoạch Ðầu tư về đề nghị hòa chung nguồn thu 5 cao tốc của VEC. Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Ðông cho hay: “Các bộ đều cơ bản thống nhất phương án đề xuất nêu trên, làm giảm ngân sách Nhà nước trong điều kiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước hạn chế, nợ công của Chính phủ đang ở mức cao”.

MỚI - NÓNG