Phương án huy động vốn sân bay Long Thành chưa khả thi

Phương án huy động vốn sân bay Long Thành chưa khả thi
TPO - Sáng 29/10, báo cáo thẩm tra dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, hầu hết các ý kiến trong ủy ban đều tán thành chủ trương xây dựng, nhưng phương án huy động vốn của dự án “chưa đảm bảo tính khả thi”.

Cân nhắc thời điểm đầu tư

Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, tại phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế ngày 23/10, có 19/19 ý kiến tán thành với chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị làm rõ tính cấp thiết của việc đầu tư dự án này, nếu chưa cấp thiết thì cân nhắc thời điểm đầu tư thích hợp.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ việc xây dựng Cảng HKQT Long Thành nhằm mục đích trung chuyển hành khách, hàng hóa của khu vực và quốc tế, bởi nếu chỉ vì mục tiêu giải quyết năng lực vận tải cho Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và phát triển vận chuyển hàng không bình thường (không nhằm mục đích trung chuyển) thì hệ thống cảng hàng không hiện tại với 7 cảng hàng không quốc tế có thể đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, cần đánh giá khả năng mở rộng và nâng công suất Cảng HKQT Tân Sơn Nhất mà không nhất thiết phải di dời nhiều hộ dân như Báo cáo đầu tư của Chính phủ. 

Hiện quy mô quy hoạch của sân bay Tân Sơn Nhất là 1.500 ha, trong khi mới sử dụng 590 ha cho mục đích dân sự. Ủy ban Kinh tế cho rằng, nếu sử dụng diện tích sân golf (khoảng 160 ha) và giải tỏa thêm một phần diện tích thuộc quy hoạch sân bay trước đây thì có thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất lên 1.000 hoặc 1.200 ha tương đương với các cảng hàng không trong khu vực. Ví như, Cảng HKQT Chek Lap Kok (Hong Kong) chỉ với diện tích 1.255 ha có công suất đạt 50 triệu hành khách/năm, Cảng hàng không Changi (Singapore) rộng 1.300 ha công suất đạt 42 triệu hành khách/năm.

Báo cáo đầu tư của Chính phủ đưa ra 3 phương án để so sánh là: Mở rộng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất; Xây dựng mới Cảng HKQT Long Thành; Cải tạo, mở rộng sân bay Biên Hòa. Tuy nhiên, có ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng các số liệu về đầu tư cải tạo, mở rộng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và sân bay Biên Hòa mới chỉ đưa ra ở mức tổng thể, thiếu các số liệu chi tiết chứng minh tính chính xác, hợp lý của các phương án này. 

“Đề nghị làm rõ hơn nữa tính hợp lý, hiệu quả, khả thi về nguồn vốn đầu tư của toàn bộ dự án, phương thức huy động vốn và phân kỳ đầu tư; xác định rõ phần vốn đầu tư của Nhà nước trong dự án trên cơ sở cân đối tổng vốn đầu tư của Nhà nước cho đầu tư phát triển nói chung, cho ngành giao thông vận tải nói riêng; khả năng tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài; đánh giá toàn diện các mặt tác động của dự án đối với vấn đề nợ công” 

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế)

“Có ý kiến đề nghị nên chọn phương án cải tạo, mở rộng sân bay Biên Hòa đồng thời mở rộng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất để hỗ trợ, phối hợp cùng khai thác có thể đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng không trong khoảng thời gian 10 năm tới, sau đó sẽ đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước”, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị giải trình rõ những tiêu chuẩn kỹ thuật nào để nói rằng việc khai thác đồng thời Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và sân bay Biên Hòa sẽ gây chồng lấn vùng trời tiếp cận.  

“Tổng mức đầu tư rất lớn”

Ủy ban Kinh tế cho rằng, tổng mức đầu tư cả 3 giai đoạn khoảng 18,7 tỷ USD là rất lớn. Trong khi đó, dự toán mức đầu tư cho giai đoạn 1 khoảng 164.589 tỷ đồng (tương đương 7,8 tỷ USD) chỉ là ước tính, mức độ chính xác chưa cao. Ngoài ra, các dự án thuộc hệ thống hạ tầng kết nối với Cảng HKQT Long Thành cần được tính toán, cân đối cùng với tổng vốn đầu tư Cảng hàng không này.

Về phương án huy động vốn, Ủy ban Kinh tế lo ngại, việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành sử dụng nguồn vốn nhà nước, vốn vay trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách nhà nước khó khăn thì “chưa bảo đảm tính khả thi”. Thêm vào đó, nếu khả năng vay được từ nguồn của các tổ chức tài chính quốc tế thì cũng phải có sự bảo lãnh của Chính phủ. Ủy ban Kinh tế lưu ý cần có biện pháp tăng cường thu hút nguồn vốn các thành phần ngoài nhà nước để giảm tỷ trọng vốn nhà nước đầu tư vào dự án, hạn chế tác động lớn đến vấn đề nợ công.  

Theo Báo cáo đầu tư của Chính phủ, dự án Cảng HKQT Long Thành khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Lợi ích kinh tế của dự án được tính toán trên cơ sở lợi ích tăng thêm từ việc khai thác kinh doanh cảng hàng không, nguồn thu từ chi tiêu của du khách nước ngoài. 

“Tuy nhiên, đây là dự báo lạc quan về lượng hành khách đạt được, thực tế lợi ích kinh tế của dự án trong quá trình khai thác còn phụ thuộc nhiều yếu tố như khả năng cạnh tranh liên tục với chất lượng tốt hơn, giá cả rẻ hơn các sân bay quốc tế của các nước trong khu vực”, ông Nguyễn Văn Giàu nhận định.

Một vấn đề nữa được Ủy ban Kinh tế lưu ý là năng lực quản lý, vận hành. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, các sân bay của nước ta với quy mô chưa đủ lớn nhưng trình độ quản lý, vận hành còn nhiều hạn chế, bất cập. Do đó, cần phân tích, đánh giá về năng lực quản lý vận hành, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, áp dụng công nghệ hiện đại để đảm bảo năng lực quản lý, vận hành khi Cảng HKQT Long Thành đi vào hoạt động.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.