Sân bay Long Thành tác động nợ công ra sao?

Sân bay Long Thành tác động nợ công ra sao?
TP - Đây là câu hỏi được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm trước khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được chính thức trình ra Quốc hội trong phiên họp hôm nay (29/10). Số liệu mới nhất cho thấy, chi phí giải phóng mặt bằng giảm hơn 2.200 tỷ đồng so với báo cáo ban đầu.

Ngày 28/10, Chính phủ gửi tới các đại biểu QH giải trình bổ sung về Báo cáo đầu tư dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo đó, khái toán tổng mức đầu tư 3 giai đoạn của dự án là 18,7 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 164.589 tỷ đồng. Vốn ngân sách nhà nước sử dụng cho các hạng mục giải phóng mặt bằng (GPMB), đền bù và tái định cư theo tính toán ban đầu là 20.770 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, khảo sát, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, chi phí GPMB giảm so với dự trù ban đầu 2.232 tỷ đồng. Ngoài ra, để giảm phần vốn ngân sách nhà nước dự kiến phải chi trong giai đoạn 1a của dự án, Chính phủ kiến nghị cho phép Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam sử dụng khoản tiền từ cổ phần hóa Tổng Cty và Cty con để thực hiện GPMB, đền bù, tái định cư phân kỳ 1 với tổng số tiền dự kiến 5.000 tỷ đồng.

Đánh giá tác động nợ công của dự án, báo cáo của Chính phủ cho biết, với mức vốn vay ODA khoảng 2,279 tỷ USD cho giai đoạn 1 (theo cơ chế Chính phủ vay và cho doanh nghiệp vay lại, tự trả nợ), trên cơ sở kế hoạch giải ngân dự kiến từng năm, tác động các khoản vay dự án lên GDP là “không đáng kể” trong giai đoạn 2016-2019, đến năm 2022, tác động nợ công của khoản vay ODA/GDP khoảng 0,091%, con số này đến năm 2026 là 0,016%.

Chính phủ cũng tính toán tác động nợ công từ phần vốn ngân sách nhà nước và vốn vay ODA trên GDP (theo giá hiện hành) trong giai đoạn 1 dự án là 0,097% năm 2022, đến năm 2026 con số này giảm xuống còn 0,031%.

Đánh giá khả năng trả nợ vốn ODA, báo cáo của Chính phủ cho biết, với lãi suất cơ bản 0,51%/năm, thời gian ân hạn 10 năm, thời gian trả nợ 30 năm, kết quả phân tích cho thấy, dòng tiền dùng để trả nợ thấp hơn số tiền nợ phải trả trong các năm đầu. Tuy nhiên, trong các năm sau, số tiền trả nợ sẽ cao hơn nợ phải trả.

Để bù đắp thiếu hụt dòng tiền trả nợ trong các năm đầu, có thể sử dụng các khoản thu từ dịch vụ khác hoặc có cơ chế giãn thời gian khấu hao tài sản cố định liên quan. Tóm lại, Chính phủ khẳng định, dự án có thể hoàn trả lại vốn vay ODA.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng đưa ra một số khó khăn sẽ gặp phải. Theo đó, hiện nay, nền kinh tế thế giới phục hồi chậm sau khủng hoảng sẽ gây khó khăn trong huy động vốn ODA và vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong nước, nền kinh tế hiện cũng gặp nhiều khó khăn, cả nước đang tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công nên việc huy động một lượng vốn từ ngân sách nhà nước để thực hiện các công việc, hạng mục bắt buộc phải dùng ngân sách như GPMB, xây dựng nơi làm việc của hải quan, an ninh sân bay... cũng là một trở ngại đáng kể.

Ngoài ra, việc triển khai phương án GPMB chắc chắn sẽ không dễ dàng, đặc biệt là vấn đề bảo đảm đời sống, việc làm cho người dân bị ảnh hưởng của dự án.

Thêm vào đó, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được hình thành và đưa vào khai thác sau các cảng hàng không trung chuyển lớn trong khu vực như Chek Lap Kok (Hong Kong), Changi (Singapore), Suvarnabhumi (Thái Lan)... nên trong giai đoạn đầu sẽ gặp khó khăn khi cạnh tranh do hạ tầng phục vụ công nghiệp hàng không, bảo dưỡng máy bay, dịch vụ thương mại... chưa được xây dựng đầy đủ.

MỚI - NÓNG