Bộ trưởng GTVT báo cáo bổ sung dự án sân bay Long Thành

TPO - "Tổng chi phí giải phóng mặt bằng dự án giảm so với dự trù ban đầu là 2.232,6 tỷ đồng, tương đương 106,31 triệu USD”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng, thừa Ủy quyền Thủ tướng nêu tại Báo cáo bổ sung dự án trình Quốc hội.

Theo Báo cáo giải trình bổ sung, khái toán tổng mức đầu tư ba giai đoạn của dự án là 18,7 tỷ USD, trong đó, giai đoạn một 7,837 tỷ USD (tương đương 164.589 tỷ đồng); giai đoạn hai 3,818 tỷ USD và giai đoạn ba 7,061 tỷ USD (giai đoạn sau cùng quy mô 100 triệu khách).

Trong giai đoạn một, vốn ngân sách nhà nước sử dụng cho các hạng mục giải phóng mặt bằng, xây dựng các cơ quan quản lý Nhà nước, đài chỉ huy, kết nối giao thông khu vực Cảng… Đây là những hạng mục có thời gian thu hồi vốn lâu hoặc đầu tư cho cơ quan quản lý Nhà nước và công tác giải phóng mặt bằng, đền bù và tái định cư.

Phương án tính toán trong báo cáo đầu tư dự án là 24.082 tỷ đồng, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư dự án giai đoạn một, trong đó đã bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng đền bù và tái định cư dự án 20.770 tỷ đồng.

Bộ trưởng Thăng cho biết: Tuy nhiên, sau khi tiến hành kiểm tra khảo sát, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản số 9405/TTr-UBND ngày 6/10/2014 ước tính lại các khoản chi phí giải phóng mặt bằng, đền bù và tái định cư được xác định lại là: 18.537,4 tỷ đồng.

Cụ thể được phân kỳ, chi phí giải phóng mặt bằng phân kỳ một là 7.764,9 tỷ đồng (giai đoạn 2016 - 2019); chi phí phân kỳ hai 10.772,5 tỷ đồng (giai đoạn 2024 - 2026).

Tổng chi phí giải phóng mặt bằng giảm so với dự trù ban đầu là 2.232,6 tỷ đồng, tương đương 106,31 triệu USD.

Sau khi cập nhật lại chi phí giải phóng mặt bằng, tổng vốn ngân sách nhà nước sử dụng cho giai đoạn một dự án là 21.849,4 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn đầu là 11.076,9 tỷ đồng và giai đoạn tiếp theo 10.772,5 tỷ đồng.

Để giảm phần vốn ngân sách nhà nước dự kiến phải chi trong giai đoạn đầu của dự án Chính phủ kiến nghị, cho phép Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam được sự dụng khoản tiền thu từ cổ phần hóa Tổng công ty và các công ty con để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đền bù và tái định cư phân kỳ một với số tiền dự kiến 5.000 tỷ đồng.

Như vậy, số tiền giải phóng mặt bằng và chi phí xây dựng phải bố trí từ ngân sách nhà nước giai đoạn 1a chỉ còn 6.076,9 tỷ đồng.

Vay lại ODA của Chính phủ để đầu tư

Theo Bộ trưởng Thăng, vốn vay ODA sử dụng cho các hạng mục khác như đường cất hạ cánh, sân đậu, trang thiết bị phục vụ bay… do doanh nghiệp đầu tư vay lại vốn ODA từ Chính phủ và tự trả nợ.

Cụ thể, gia đoạn 1 là 47.859 tỷ đồng (chiếm 29,1% tổng mức đầu tư giai đoạn 1), chia hai giai đoạn: Giai đoạn 1a: 37.838 tỷ đồng; giai đoạn 1b, 10.021 tỷ đồng.

Vốn huy động ngoài nhà nước (vốn doanh nghiệp, hợp tác công - tư (PPP) cho các hạng mục đầu tư có khả năng thu hồi vốn như nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa… giai đoạn 1 là 92.648 tỷ đồng, chiếm 56,3%.

Bộ trưởng Thăng cho biết, phương án huy động vốn từ  ngân sách như trình bày ở trên. Đối với vốn ODA, huy động từ sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế song phương và đa phương. Tổng công ty Hàng không Việt Nam sẽ vay lại từ Chính phủ và tự trả nợ. Các hạng mục huy động ngoài nhà nước (ngoài ngân sách và ODA) sẽ tiến hành kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài.

Sáng nay, sau khi nghe Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Quốc hội sẽ nghe Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu báo cáo Thẩm tra về chủ trương của Chính phủ.

MỚI - NÓNG