Cây gãy đổ trên nhiều tuyến đường như Hà Giang, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Công Trứ, Huỳnh Thúc Kháng… và khu vực xung quanh trụ sở UBND thành phố Bảo Lộc, đặc biệt là trên quốc lộ 20, đoạn qua Bảo Lộc.
Từ năm 2003, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (IUCN) đã đưa sò đo cam (tên khoa học là Spathodea Campanulata, còn gọi là chuông đỏ, hồng kỳ, phượng hoàng đỏ, đỉnh phượng hoàng, tulip châu Phi, uất kim hương châu Phi…) vào danh sách 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng.
Cây sò đo cam bị bật gốc trên đường phố Bảo Lộc.
Một công ty tư vấn và kiến tạo cảnh quan tại TPHCM cũng từng cảnh báo sò đo cam là cây thân mộc cao lớn, tốc độ sinh trưởng nhanh nhưng hệ rễ yếu, dễ bị gió làm đổ, gãy và khuyến cáo không nên trồng trên đường phố, công viên…
Tháng 2/2010, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng đã phát văn bản cho các đơn vị liên quan đề nghị không tiếp tục phát triển loài cây này. Thế nhưng, điều tréo ngoe là chỉ trong hai năm 2010 - 2011, 9/12 huyện, thành của Lâm Đồng trồng mới 5.368 cây sò đo cam; phần lớn số tiền mua cây giống được trích từ nguồn kinh phí trồng cây nhân dân.
Sò đo cam gãy đổ la liệt.
Bảo Lộc là địa phương tiên phong thiết lập quần thể sò đo cam và nay là nơi đầu tiên hứng chịu hậu quả việc trồng loại cây đã bị IUCN đưa vào “danh sách đen” này.
Tại các huyện thành khác của tỉnh Lâm Đồng, sò đo cam cũng được trồng chủ yếu trên đường phố, trường học, công sở nên tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cao.
Trước thực tế đó và trong tình hình sò đo cam đã bị liệt vào danh sách loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại theo thông tư của Bộ TN&MT thì ngành chức năng và các địa phương cần có phương án đốn hạ sò đo cam để thay thế bằng những loại cây xanh khác trên đường phố, công viên…