Phó Thủ tướng: 'Không thể để một người cháu phải nuôi 4-5 người già'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, nước ta cần xây dựng chương trình ứng phó quốc gia về già hoá dân số, mất cân bằng giới tính. Đây đang và sẽ là thách thức với Việt Nam, không thể để một người cháu hay chắt của chúng ta phải nuôi dưỡng 4-5 người già, muốn vậy phải có hành động ngay từ thời điểm này.

Chủ động nhân lực cho ngành nghề mới

Sáng 26/12, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, năm 2023 đã bước qua với nhiều khó khăn, thách thức vượt dự báo và nhiều hơn thuận lợi. Đặc biệt, việc đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường hàng xuất khẩu khó khăn, thiếu đơn hàng đã ảnh hưởng việc làm, an sinh xã hội. Với sự nỗ lực của ngành LĐ-TB&XH, các địa phương, doanh nghiệp và người lao động, thị trường lao động dần phục hồi; chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, trợ giúp xã hội được đảm bảo; giảm nghèo đạt mục tiêu đặt ra; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội tiếp tục tăng với trên 39% lực lượng lao động tham gia; công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em tiếp tục được tăng cường; bình đẳng giới thực chất hơn…

Phó Thủ tướng: 'Không thể để một người cháu phải nuôi 4-5 người già' ảnh 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu giao nhiệm vụ năm 2024 cho ngành LĐ-TB&XH.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng cũng chỉ ra, năm vừa qua, thị trường lao động chưa cân đối cung - cầu, khi nhiều tập đoàn đầu tư lĩnh vực mới, công nghệ cao không tuyển được lao động có tay nghề. Do đó, Bộ LĐ-TB&XH cần chủ động tham mưu cho Chính phủ các bước chuẩn bị, đi trước 1 bước về nguồn nhân lực, đảm bảo việc thu hút đầu tư, chuyển đổi kinh tế thành công.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng, tỷ lệ lao động làm khu vực phi chính thức, nông - lâm - ngư nghiệp còn chiếm tới 65% lực lượng lao động là quá cao; lao động dừng tham gia và nhận bảo hiểm xã hội một lần tăng rất “đáng báo động”. Do đó, cần làm rõ nguyên nhân để có giải pháp giải quyết, tăng lòng tin của người lao động với chế độ an sinh này.

Trong năm tới, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng lưu ý Bộ LĐ-TB&XH quan tâm tới thể chế hoá các cam kết của Việt Nam liên quan tới công ước lao động quốc tế, trong các hiệp định thương mại tự do.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH chủ động phối hợp với ngành y tế xây dựng chương trình ứng phó quốc gia về già hoá dân số, mất cân bằng giới tính. Vì kinh nghiệm từ các nước cho thấy, khi để vượt qua ngưỡng nhất định mất cân đối tuổi, giới tính sẽ không còn giải quyết được nữa, kể cả với các nước phát triển. “Đây là thách thức lớn, tới lúc nào đó có thể xảy ra, nên không thể để 1 người cháu hay chắt của chúng ta phải nuôi 4-5 người già. Muốn vậy phải lo từ giờ, hoàn thiện chính sách người cao tuổi từ sớm”, Phó Thủ tướng nói.

Bộ LĐ-TB&XH cũng được yêu cầu chủ động phối hợp các bộ ngành liên quan để xây dựng tiêu chuẩn đào tạo, đặc biệt đào tạo liên thông giữa hệ thống giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Ngoài ra, ngành cũng cần sớm khai trương sàn giao dịch việc làm điện tử toàn quốc; sớm giải quyết dứt điểm hồ sơ công nhận người có công còn tồn đọng; xử lý tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội; quan tâm tới nhà ở cho công nhân; bảo vệ trẻ em…

Khắc phục thực chất tình trạng né tránh, đùn đẩy

Báo cáo tại hội nghị, một số địa phương nêu thực tế khó khăn về lao động, việc làm năm 2023, và dự kiến có thể tiếp diễn năm 2024. Đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tới hết năm nay, toàn tỉnh có trên 1,2 triệu lao động, trong đó người ngoài tỉnh chiếm hơn 80%. Do khó khăn về đơn hàng, trong năm đã có trên 127.000 lao động bị mất việc, ngừng hoặc giảm việc, tập trung trong ngành may mặc, chế biến gỗ, da giày… Khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng mới lại không có nguồn để tuyển, do nhiều người lao động mất việc đã về quê. Tính tới hết tháng 11, Bình Dương có hơn 89.000 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng gần 10% so với năm trước.

Phó Thủ tướng: 'Không thể để một người cháu phải nuôi 4-5 người già' ảnh 2

Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết năm 2023 và triển khia nhiệm vụ năm 2024 của ngành LĐ-TB&XH.

Tương tự, tại Long An, cũng có hơn 41.000 lao động bị ảnh hưởng giờ làm, trên 18 nghìn người bị ngừng việc, chủ yếu trong lĩnh vực dệt may, chế biến gỗ, nhựa, in ấn… Một số địa phương khác tập trung công nghiệp cũng rơi cảnh tương tự, như TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai…

Báo cáo từ các địa phương cho thấy, trong quý III, cả nước có trên 118.000 người mất việc, trên 54.000 người phải nghỉ giãn việc (giảm so với quý trước đó). Còn theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, tính tới hết tháng 11 vừa qua, cả nước đã có hơn 1 triệu người lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH - Đào Ngọc Dung cam kết, trong năm 2024, toàn ngành sẽ nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Trong đó, tập trung vào sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm; xây dựng thị trường lao động bền vững; nâng cao chất lượng tay nghề người lao động, đặc biệt ngành nghề mới; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu an sinh xã hội trên tất cả lĩnh vực; tăng cường thanh kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh phân cấp phân quyền, khắc phục thực chất tình trạng né tránh, đùn đẩy, để thực thi công vụ hiệu quả, người dân được hưởng…

MỚI - NÓNG