Tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã nhất trí thực hiện giám sát tối cao với hai chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác quy hoạch.
Đối với giám sát chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công làm Trưởng Đoàn giám sát. Còn với chuyên đề về công tác quy hoạch, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công làm Trưởng Đoàn giám sát.
Nhằm thực hiện chuyên đề giám sát thực sự hiệu quả, có tính lan tỏa cao, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội đã có buổi làm việc với các cơ quan liên quan về nội dung này. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội là cơ quan cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, vì vậy hoạt động giám sát phải làm sao để nâng cao vị thế của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ và các cơ quan của Quốc hội.
Theo ông Phương, khóa XIV đã làm tốt rồi và giám sát trong nhiệm kỳ khóa XV phải làm tốt hơn nữa. Đồng thời phải tạo dấu ấn, sức lan tỏa, cảm hứng hành động, sáng tạo. “Giám sát phải đúng, trúng, chỉ rõ địa điểm, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và đề xuất được sửa đổi chính sách pháp luật”, ông Phương nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc triển khai giám sát phải có trọng điểm, không “tham nhiều”, làm đâu trúng đấy… “Đây là giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì phải mẫu mực, phải dồn sức vào làm cho tốt”, ông lưu ý.
Cũng theo ông Trần Quang Phương, “Tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội” là đề án gốc rất quan trọng, phải gắn với Đề án đổi mới chung của Quốc hội. Trong đó có lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời quan tâm thêm công tác dân nguyện.
Ông đề nghị xây dựng Đề án đổi mới hoạt động phải tính cả đến việc đổi mới thể chế như thế nào, đổi mới cả tổ chức và chất lượng nguồn nhân lực, phương thức hoạt động ra sao.
Các thành viên Chính phủ tại buổi chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV |
Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, để giám sát đạt hiệu quả, thuyết phục, thực sự có dấu ấn thì phải chỉ ra được từng vấn đề, thậm chí những vi phạm trong tổ chức thực hiện chính sách pháp luật.
Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, hiện chất vấn ở kỳ họp Quốc hội được thực hiện tương đối tốt nhưng ở Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt các cuộc giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban còn ít, cần được tham mưu đẩy mạnh hơn.
“Thậm chí đối với các vấn đề “nóng” ở các Bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu phải đứng ra giải trình”, ông Cường nhấn mạnh, đồng tình với quan điểm cần thực hiện giám sát đến cùng, đặc biệt phải kiểm tra, thực hiện hậu giám sát. Đồng thời, địa phương nào “có nhiều vấn đề” mới đi giám sát, kết luận và thông tin cho báo chí, như vậy việc giám sát mới mang tính tổng thể toàn quốc.