Phim Nhật và sự khác biệt

Cảnh trong phim Tôi là quản gia Mita đang chiếu trên HTV9 từ thứ Sáu đến Chủ nhật hàng tuần
Cảnh trong phim Tôi là quản gia Mita đang chiếu trên HTV9 từ thứ Sáu đến Chủ nhật hàng tuần
Những tác phẩm đến từ đất nước mặt trời mọc đã thực sự đem đến làn gió tươi mới cho truyền hình Việt vốn dày đặc các phim Hàn Quốc và Hoa ngữ.

Sau nhiều năm vắng bóng, thời gian qua, phim truyền hình Nhật Bản đã bắt đầu trở lại trên sóng truyền hình Việt Nam. Dù khó có thể tạo hiệu ứng như những Oshin, Nữ tiếp viên hàng không, Ngôi sao may mắn, Dưới một mái nhà… của gần 20 năm trước nhưng các tác phẩm đến từ đất nước mặt trời mọc đã thực sự đem đến làn gió tươi mới cho truyền hình Việt vốn dày đặc các phim Hàn Quốc và Hoa ngữ.

Thực tế, sau khi Việt Nam chịu sự “xâm thực” của “làn sóng Hàn” thì phim Nhật Bản thỉnh thoảng vẫn “vãng lai” trên sóng truyền hình Việt nhưng hầu như “trôi tuột” khỏi ấn tượng người xem.

Ít nhưng “chất”

Điều này chắc hẳn không đến từ chất lượng khi các bộ phim đều được đánh giá cao tại quê hương. Nhưng những đề tài lịch sử như Người anh hùng Yoshitsune (phát sóng trên VTV3 vào tháng 12/2008) hay Công chúa Atsu (VTV3 - tháng 8/2011) lại không mấy hấp dẫn khán giả (đặc biệt là những người trẻ) nhất là khi khung giờ phát sóng lại là 6h30 sáng và 12h trưa.

Tương tự, tuyệt phẩm truyền hình Mùa tuyết tan (lên sóng lúc 13h trên VTV1 từ tháng 4/2009) được làm ròng rã suốt… 21 năm với chỉ duy nhất một ê-kíp diễn viên mặc dù đạt rất nhiều giải thưởng, được đưa cả vào sách giáo khoa Nhật Bản, lại không phù hợp với “gu” xem phim để biết cốt truyện hơn là để “cảm” của đa phần khán giả Việt…

Cảnh trong phim Tôi là quản gia Mita đang chiếu trên HTV9 từ thứ Sáu đến Chủ nhật hàng tuần

Phải đến tháng 9/2012, khi bộ phim nổi tiếng của Fuji TV Một lít nước mắt (2005) xuất hiện trên HTV3 thì phim Nhật mới thoát khỏi sự hờ hững.

Bên cạnh câu chuyện thấm đẫm nhân văn, Một lít nước mắt với sự trau chuốt trong cảnh quay, dàn diễn viên đồng đều, trẻ đẹp cũng góp phần xóa định kiến về việc phim Nhật khô khan, u tối và thiếu sức hút ở phần nhìn.

Tương tự, khi Cô giáo Yankumi (Gokusen) - một trong những bộ phim có rating cao nhất mọi thời đại của đài truyền hình Nippon (NTV) - lên sóng VTV6 thì nội dung độc đáo cùng dàn diễn viên “thần tượng” đã thực sự chinh phục khán giả Việt.

Tuy nhiên, đến tháng 9/2013, nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, phim Nhật mới thực sự “đổ bộ” với những: Hậu cung, Con nhà giàu, Người mẹ, Nobuta Wo Produce, Bloody Monday…

Sang năm 2014, nhiều bộ phim đình đám tiếp tục lên sóng như: Hana Kimi, Bác sĩ Jin, Hãy cưới anh lần nữa, Mẹ chồng nàng dâu, Cô gái tham vọng, Học viện mới, Tôi là quản gia Mita…

Nhìn lại, đây đều là những bộ phim ăn khách nhất của truyền hình Nhật Bản trong 10 năm qua. Trong đó có những “bom tấn truyền hình” có sức lan tỏa quốc tế và được nhiều quốc gia, điển hình là Hàn Quốc, mua bản quyền chuyển thể lại (và đa số khán giả Việt lại chỉ biết đến bản Hàn Quốc).

Sức hút từ sự phong phú, độc đáo

Nhìn lại những tác phẩm đã lên sóng truyền hình Việt, có thể thấy được phần nào sự khác biệt của điện ảnh Nhật Bản. Trong khi khán giả dần mệt mỏi với sự lê thê của những bộ phim Trung Quốc, Đài Loan dài hàng trăm tập hay quá nhàm chán với những “ân oán tình thù” trong phim Hàn Quốc thì sự ngắn gọn và nội dung phong phú của phim Nhật dễ chiếm được cảm tình.

Với độ dài thường chỉ từ 9 đến 12 tập, phim Nhật rất hiếm khi gây cảm giác dông dài mà tạo ấn tượng với tình tiết nhanh gọn, súc tích, những thắt - mở nút trong tình huống kịch thường được giải quyết chỉ trong một tập phim.

Sức hút lớn nhất của phim truyền hình Nhật Bản chính là đề tài vô cùng đa dạng. Phim Nhật đề cập đủ ngành nghề, đối tượng trong xã hội, đủ hình tượng nhân vật với tính cách, nội tâm phong phú, độc đáo. Học đường và trinh thám được xem là thế mạnh hàng đầu của phim Nhật Bản, ra đời đều đặn vài phim mới mỗi năm nhưng mô-típ gần như không trùng lặp.

Chỉ riêng dạng nhân vật thám tử điều tra là đã thuộc đủ lứa tuổi, ngành nghề cùng đa dạng phương pháp phá án, thậm chí có thể tra án qua… thời tiết (Cô gái thời tiết) hay đồ ăn (Kuitan - Thám tử phàm ăn)…

Dòng phim tâm lý khai thác sâu nội tâm nhân vật với những khoảng tối trong tâm hồn con người (Con thuyền cát, Bạch dạ hành, Điên vì tiền, Tội ác và hình phạt…) đôi khi khiến phim Nhật u ám và “tàn nhẫn” hơn phim truyền hình các nước vốn chuộng sự tươi sáng nhưng cũng khiến nó thực hơn và cũng đáng nhớ hơn.

Không quá chú trọng ngoại hình diễn viên như các phim Hàn Quốc, Đài Loan, phim Nhật thường chọn diễn viên phù hợp với vai diễn nên người diễn viên có thể không lung linh nhưng lại lôi cuốn người xem bởi sự “hợp vai” và thường “đẹp lên” qua mỗi tập phim…

Dĩ nhiên không phải phim Nhật nào cũng hay nhưng chắc chắn là khác biệt và cũng tạo cho điện ảnh Nhật Bản một vị thế đặc biệt trên trường quốc tế.

Với sự trở lại của phim Nhật Bản trên sóng truyền hình thời gian qua thì khán giả có thêm “món ăn lạ miệng” và cũng được tiếp xúc với nền điện ảnh tiến bộ được cả thế giới công nhận. Hy vọng sự trở lại lần này của phim Nhật không chỉ là nhất thời nhân một dịp kỷ niệm…

Theo Chiêu Văn
Theo Thể thao & Văn hóa
MỚI - NÓNG