Phía sau sự vắng bóng của hai bức chân dung cố lãnh đạo Triều Tiên

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong hầu hết 1 thập kỷ ông Kim Jong Un lãnh đạo Triều Tiên, hai bức chân dung cha và ông nội ông luôn được treo trên phông nền các cuộc họp của đảng Lao động ở Bình Nhưỡng.
Phía sau sự vắng bóng của hai bức chân dung cố lãnh đạo Triều Tiên ảnh 1

Ba thế hệ lãnh đạo của Triều Tiên. (Ảnh: Reuters, AP)

Nhưng đến năm 2021, chân dung hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật không còn xuất hiện trong những bức ảnh được báo chí Triều Tiên đăng tải.

Trong 10 năm, nhà lãnh đạo thế hệ thứ ba vượt qua nhiều hoài nghi và nỗ lực củng cố chỗ đứng của mình khi Triều Tiên bị cô lập hơn bao giờ hết, và nền kinh tế hứng hết khó khăn này đến trở ngại khác.

Sự cần thiết phải làm gì đó cho nền kinh tế được thừa nhận trong thông điệp năm mới mà ông Kim vừa đưa ra, trong đó ông nói rằng đất nước đang đối mặt với “một cuộc đấu tranh sinh tử vĩ đại” để vượt qua khủng hoảng kinh tế. Nhưng đồng thời ông cũng tuyên bố rõ ràng rằng năng lực quân sự của Triều Tiên cần được củng cố. Vào ngày 5/1, chỉ vài ngày sau thông điệp, Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thử thành công một tên lửa siêu thanh.

Một số nhà quan sát bên ngoài tin rằng một nội dung quan trọng trong chương trình hành động của ông Kim trong năm nay sẽ là củng cố hình ảnh của mình bằng một hệ tư tưởng mang dấu ấn của nhà lãnh đạo trẻ.

Chưa có tuyên bố chính thức nào về hệ tư tưởng như vậy, nhưng đã có một số gợi ý cho thấy Triều Tiên sẽ triển khai một chiến dịch để củng cố tên tuổi và dấu ấn của nhà lãnh đạo tối cao.

Đó có thể được gọi là “Chủ nghĩa Kim Jong Un”. Khái niệm này đã xuất hiện ở Triều Tiên, Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc báo cáo hồi cuối tháng 10.

Mark Barry, một chuyên gia về Triều Tiên và là phó tổng biên tập Tạp chí Hoà bình quốc tế, cho rằng "Chủ nghĩa Kim Jong Un" có thể là "chiến lược marketing” nhằm gây chú ý nhiều tới ông Kim hơn hai cố lãnh đạo.

Lee Hyeun-seung, con trai của ông Ri Jong Ho, một người đào tẩu gây nhiều chú ý vì từng làm trong Văn phòng 39 - cơ quan kiếm ngoại tệ bí mật của Triều Tiên, cũng dự đoán rằng một công cụ tư tưởng mang tên ông Kim sẽ được công bố trong thời gian tới.

“Giống như ông Kim Nhật Thành với học thuyết juche (tự lực cánh sinh) và Kim Chính Nhật với songun (tiên quân chính trị), ông Kim Jong Un đang cố gắng tạo ra học thuyết tư tưởng của riêng mình, bằng cách kết hợp hai tư tưởng kia và đặt theo tên mình”, ông Lee nhận định.

Juche là học thuyết nhấn mạnh tinh thần tự lực cánh sinh, không phụ thuộc vào bên ngoài, còn songun chủ trương ưu tiên quân đội trên hết.

Dù chưa đề cập đến thuật ngữ nào mang tên ông Kim Jong Un, báo chí Triều Tiên gần đây tập trung nhiều vào điều họ gọi là phương hướng tư tưởng “độc nhất” cho đất nước, nhất là từ Đại hội đảng lần thứ 8 cách đây 1 năm.

Ông Lee Kwang-baek, chủ tịch Daily NK, một trang tin có một số nguồn từ Triều Tiên, nói rằng ông chưa nghe thấy việc sử dụng “Chủ nghĩa Kim Jong un”, nhưng khái niệm “Tư tưởng cách mạng Kim Jong Un” đã được sử dụng ở quốc gia này. Ông Lee nói rằng khái niệm này liên quan đến nguyên tắc “đặt nhân dân lên trên hết” nhằm thay thế “tiên quân chính trị” để trở thành “kim chỉ nam cho hệ thống xã hội chủ nghĩa của đất nước”.

Theo một bài viết trên báo Rodong Sinmun của đảng Lao động, nhân dân trước hết là “lý tưởng chính trị coi quần chúng nhân dân là chủ thể của công cuộc cách mạng và xây dựng đất nước, dựa vào quần chúng và nỗ lực quên mình, tận tuỵ vì lợi ích của nhân dân”.

Bài báo nói rằng tư tưởng này “thể hiện quán triệt tầm nhìn” của cả hai nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật về nhân dân.

Theo NK
MỚI - NÓNG