Chị Linh, người Việt, sống trong một tòa nhà mà khoảng 80% cư dân là người Hàn Quốc. Chị nói: “Bạn bè của tôi phần nhiều là người Hàn Quốc. Các bạn bảo rằng họ thích sống tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng là do khí hậu nắng ấm, thích hơn ở Hàn Quốc hay Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc chuyển sang Việt Nam và kéo theo đó là các doanh nhân, chuyên gia, kỹ sư…”.
Khi đàn ông đi làm, những người phụ nữ Hàn Quốc ở nhà chăm sóc bố mẹ và các con. Một số thích kinh doanh nhỏ. Họ nói không có nơi nào lý tưởng hơn kinh doanh nhỏ tại Việt Nam vì thuế má rất dễ chịu, người mua cũng dễ tính. Các cô người Hàn rất thích buôn bán nhỏ tại Việt Nam.
Tại khu Phú Mỹ Hưng, dù tin tức dịch bệnh tại Hàn Quốc đang nóng bỏng thì những cửa hàng tiện lợi, quán ăn do các bà chủ Hàn Quốc quản lý vẫn nhập hàng về chất đầy và các lớp tiếng Anh vẫn mở cửa chiêu sinh chờ khi hết dịch sẽ học lại. Một số người bảo: “Chúng tôi đã ở Việt Nam từ trước Tết và cảm thấy yên tâm khi tránh xa được các vùng dịch bệnh”.
Anh Sung Ho, một doanh nhân có vợ tại Việt Nam sở hữu căn hộ tại Phú Mỹ Hưng nói, anh rất lo lắng cho mẹ già đang ở Hàn Quốc và anh cảm thấy may mắn khi đang sống tại Việt Nam, một đất nước mà nhiều ngày liên tục không phát hiện ca nhiễm Covid -19 mới nào, tất cả bệnh nhân đều được chữa khỏi.
Nhận xét về những người Hàn Quốc đang sinh sống tại quận 7, TPHCM, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND Quận 7 nói: “Cộng đồng người Hàn Quốc tại Quận 7 đều có ý thức tự bảo vệ mình trước dịch bệnh, không tụ tập đông người, những quán xá ngày thường tấp nập, nay đều thưa vắng. Mọi người tuân thủ những biện pháp phòng chống dịch như mọi người dân Việt Nam vậy”.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu nói: “Tại hai phường có đông người dân Hàn Quốc sinh sống, cứ mỗi phường như vậy chúng tôi tổ chức 40 tổ công tác, theo sát tình hình hoạt động 24/24 giờ, tuyên truyền giúp đỡ mọi người phòng chống dịch, giải quyết các vấn đề phát sinh kể cả lúc nửa đêm”.
Quận 7 với 70.000 người nước ngoài sinh sống, đã “căng như dây đàn” từ Tết đến nay. Tất cả các chung cư trên địa bàn đều áp dụng việc cung cấp nước rửa tay, tầm soát người đến từ vùng dịch, thực hiện cách ly và tuyên truyền giáo dục. Chị Linh nói: “Từ Tết đến giờ, ở khu vực người Hàn Quốc sinh sống, mỗi sáng đều đo thân nhiệt trước khi ra khỏi chung cư”. Những biến động về tạm trú, nhất là người có khả năng đến từ các quốc gia có dịch, được cập nhật và giải quyết ngay cả lúc nửa đêm.
Một cán bộ ở quận 7 cho biết: “Chúng tôi mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba từ Tết đến giờ. Trách nhiệm rất lớn, ai cũng lo lắng ít nhiều. Nhưng vì sự an toàn cho nhân dân, vì sự an toàn cho chính mình và gia đình, chúng tôi làm việc không kể ngày đêm”.
Tính đến sáng 26/2, quận 7 đã hoàn thành giám sát 141 trường hợp, còn 5 trường hợp đang trong thời gian cách ly 14 ngày kể từ khi nhập cảnh.
Theo cơ quan chức năng, từ 19/2 đến nay, có 930 người Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đang ở quận 7. Không chỉ các cán bộ và người dân Việt Nam mà cả những cư dân Hàn Quốc sống tại quận 7 cũng tham gia giúp đỡ hơn 930 người này khai báo y tế, theo dõi sức khỏe và tự cách ly.
Việc vận động phòng chống dịch được thực hiện bằng cả bốn ngôn ngữ Việt, Hàn, Trung, Anh. Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu nói: “Không khí ở Phú Mỹ Hưng và ở quận 7 luôn là sự thân thiện, cởi mở, giúp đỡ lẫn nhau. Tuyệt đối không có sự kỳ thị”.