Phép vua thua lệ làng

Phép vua thua lệ làng
TP - “Phép vua” là biểu hiện cho tinh thần pháp luật của quốc gia,  được các trạng nguyên - những người có học cao nhất, rồi các quan lại trong triều là những người được tuyển chọn từ các trạng nguyên, cùng vua lập ra, vậy mà thua cả “lệ làng” được chăng hay chớ, do con người cũng như điều kiện thổ nhưỡng và hoàn cảnh xã hội ở làng tạo nên.

Vì thói “luật pháp làng” án ngữ bắt rễ thâm căn cố đế từ trong lịch sử, nên từ cổ chí kim, cho đến hiện đại nhãn tiền, các điều luật từ trung ương đến địa phương đều bị hóa giải ngay cổng tre của mỗi xóm làng.

Làng chính là một giá trị độc tôn “cao nhất”, đã xé lẻ sức mạnh quốc gia của người Việt. Lâu nay người ta cứ cho rằng “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, hoặc là làm thân con gái chẳng ao ước lấy được đàn ông tài giỏi kinh bang tế thế nào hơn lấy được chồng làng.

Lấy chồng khó giữa làng/ Hơn lấy chồng sang thiên hạ

Phép nước là biểu hiện cho tinh thần công lý. Với kiểu đặt cả phép nước xuống dưới lệ làng, chứng tỏ trình độ sống của người Việt còn hết sức manh mún, nhỏ bé, chủ yếu còn loay hoay “vinh thân phì gia”, sau đó lan từ nhà ra ngõ, và đến hàng rào của làng thì “đào hào đắp lũng” cố thủ.

Người Việt chúng ta đã thú nhận “sức mạnh” của mình qua câu nói tận thâm sâu trong tâm hồn và truyền thống, cũng như phong tục: Phép vua thua lệ làng. Đơn vị làng cũng là đơn vị sống tình cảm, ở đó phản ánh trình độ sống nhiều khi nặng về cảm tính của người Việt.

Một cái làng không bao giờ có thể có một vóc dáng của một “quốc gia lập hiến”. Nhiều làng hợp lại, cũng không thành quốc gia lập hiến. Theo các triết gia thì:

Lý trí của con người hiển nhiên đã mang tính công lý. Vì ở chợ, khi người khuân vác khiêng một cân thịt, một cân rau, một cân củi, thì anh ta đều tính tiền công trọng tải như nhau – đó là công lý. Hay người khách hỏi người bán nước là “nước sôi chưa” thì có nghĩa nước đã đun ở 100oC chưa, ai cũng hiểu vậy – và đó là công lý.

Và cả kẻ bán lẫn người mua đều cũng phải tính 2+2=4, hay 3 lần 7 là 21 – cũng là công lý. Như vậy khi một cộng đồng có lý trí, thì hiển nhiên cộng đồng đó sẽ tiến đến công lý. Công lý sẽ làm mạnh cả hiến pháp và pháp luật, cũng như mọi quy tắc và lề luật ứng xử cộng đồng.

Trái lại, khi một cộng đồng lý trí yếu, thì hiển nhiên sẽ lui về co cụm trong tình cảm, lấy việc thân với người này, sống chết với người kia, làm thành phe cánh, mong chống chọi hay lấn lướt với đời.

Vậy đến lúc chúng ta nên bàn đến một nhược điểm khá phổ biến của người Việt:

- Vì thiếu lý trí, nên thiếu sự quy tụ đến đời sống công lý trong cộng đồng. Vì thế mới nảy sinh “phép vua thua lệ làng”.

- Vì thiếu công lý làm sức mạnh lẽ phải trong quan hệ cộng đồng, nên người ta phải tìm cách cấu kết thành cánh hẩu, rồi các hội này, hội kia?!

Có phải để cái duy cảm che khuất lẽ sống chung là công lý, mà giờ đây ngay cả việc chấp hành luật lệ giao thông đang trở thành vấn đề không nhỏ ở nước ta?

MỚI - NÓNG