Phép thử

Phép thử
TP - Trong một hội thảo vừa diễn ra tháng trước, Sở Y tế TPHCM đưa ra mục tiêu hoàn thiện mô hình bác sỹ gia đình kể từ năm 2016.

> Trở thành 'bác sĩ tại gia' trong tầm tay
> Bộ Y tế không có tiền xây bệnh viện

Và để thực hiện mục tiêu nói trên, ngay trong năm nay, 24 quận, huyện của thành phố sẽ triển khai mô hình phòng khám bác sỹ gia đình tại 30% trạm y tế.

Năm 2014 mô hình sẽ triển khai ở 50% trạm y tế và 3 - 5 phòng khám tư nhân, năm 2015 triển khai ở 100% trạm y tế và ít nhất 30 phòng khám tư nhân. Giai đoạn 2016 - 2020, ngành y tế TPHCM sẽ tập trung hoàn thiện phòng khám bác sỹ gia đình, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cộng đồng.

Mô hình bác sỹ gia đình thực ra không mới mẻ. Rất nhiều nước trên thế giới đã triển khai mô hình này từ lâu và ở những nước như Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha… bác sỹ gia đình thường được chính phủ hoặc bảo hiểm y tế trả lương, căn cứ vào hiệu suất công việc họ thực hiện. Cùng với luật sư riêng, bác sỹ gia đình giúp người dân một số nước được đảm bảo các quyền lợi chính đáng của họ một cách chuyên nghiệp, bài bản và ít tốn kém.

Việc xuất hiện bác sỹ gia đình ở ta cũng là tất yếu và không những thế, mô hình này còn giúp giải quyết một trong những vấn đề trầm trọng của ngành y tế trong nhiều năm qua: giảm tải bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến trên bởi theo một chuyên gia, phòng khám bác sỹ gia đình giúp sàng lọc, giải quyết 80% các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến.

Hơn nữa, mối quan hệ gần gũi của bác sỹ gia đình giúp người điều trị, bệnh nhân tiết kiệm thời gian và không những thế còn giúp giảm bớt những nhũng nhiễu, tiêu cực trong bệnh viện bắt nguồn từ sự quá tải.

Tuy nhiên, vì phòng khám bác sỹ gia đình là tuyến chữa bệnh đầu tiên nên những chẩn đoán, xử lý của các bác sỹ ở đây cần phải rất chính xác, hợp lý. Hơn nữa, yêu cầu đối với một bác sỹ gia đình không hề nhỏ: phải tinh thông nhiều chuyên khoa, từ nhi, lão, sản, chấn thương-chỉnh hình… Ở các nước phát triển, để trở thành một bác sỹ gia đình thực thụ là cả chục năm đào tạo, thử thách. Trong điều kiện đào tạo nghề y còn đang lộn xộn như ở nước ta, thách thức trong việc cho ra lò những bác sỹ gia đình thực thụ là không hề nhỏ.

Dù gì thì các chương trình phát triển hệ thống bác sỹ gia đình đã chuyển động và bước đầu đã mang lại những hiệu quả tích cực.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG