Phạt, và trả tiền phạt

Phạt, và trả tiền phạt
TP - Anh Nhu dắt xe máy ra tận cổng trao cho Anh La mượn, dặn dò:

> Xử lý gần 34.000 trường hợp không đội mũ bảo hiểm
> Cảnh sát giao thông đứng ở gốc cây…

- “Đi đường cẩn thận nhé. Trong cốp xe, ở dưới miếng bìa các tông, trong cái gói nylon nhỏ màu sẫm, tôi để đó sẵn ít tiền lẻ.

Nếu bị phạt, Anh La cứ dùng tiền ấy mà trả, kẻo trả tiền chẵn người phạt lại không có tiền trả lại, mình mất thì giờ thêm, mất tiền thêm, lại làm hỏng thêm người phạt!

Còn đây là giấy tờ gốc, anh cất kĩ.

Đây là giấy chụp lại giấy tờ gốc. Có khi anh cứ đưa giấy tờ chụp là đủ. Nhiều khi bị giữ xe còn dễ tìm lấy lại hơn là bị mất giấy tờ”.

Cảm ơn sự chu đáo của anh Nhu, Anh La vừa chạy xe vừa miên man...

Chúng ta đã thành công dựng nên một hệ thống làm cho mỗi người dân đều trưởng thành nên một nhà bác học kiêm nghệ nhân trong đối nhân xử thế.

Bao nhiêu năng lực của mỗi người đều phải dồn đầu tư cho lĩnh vực này, thì tại sao xã hội không tìm cách quốc hữu hóa vấn đề này, để rồi đưa ra các giải pháp toàn thể cho mọi người, thay vì muôn vàn giải pháp riêng tư chồng chéo lẫn nhau?

...

Cái lõi của câu chuyện, là phạt, và thu tiền phạt.

Khi người phạt thu tiền phạt trực tiếp, đẻ ra tiếp các câu chuyện khác.

Chuyện thu ít tiền để tha phạt.

Chuyện mặc cả giá phạt.

Chuyện rình phạt để thu tiền.

Chuyện phóng xe trốn phạt…

Mọi chuyện trở nên rõ ràng, giản đơn, hiệu nghiệm, bằng cách tách rời việc phạt với việc thu tiền phạt.

Người phạt chỉ có quyền ghi giấy phạt, kèm theo tường trình hiện trường, điều luật gì bị vi phạm, có kí tên và số hiệu của người phạt, khoản tiền phạt phải trả… trên tờ mẫu cho từng lĩnh vực. Các thông tin về người bị phạt được kiểm tra và ghi nhận lại trên cơ sở các giấy tờ tùy thân. Còn nhìn xa hơn, thì các đội phạt có thể có các máy móc để kết nối các cơ sở dữ liệu của trung tâm để kiểm tra.

Người nhận giấy phạt chỉ nhận giấy phạt mà thôi, nếu hành vi của mình thuộc các trường hợp thông thường không có các tính chất khẩn cấp nguy hại.

Như vậy việc phạt đã xong.

...

Người bị phạt làm gì với tờ giấy phạt ? Bạn ký giấy phạt. Địa chỉ khứ hồi đã in sẵn trên giấy phạt này. Và tờ giấy phạt được in dấu miễn tem bưu điện.

Nếu bạn tin tưởng rằng mình bị oan, bạn đánh dấu “phản đối”, và gửi lại tờ giấy phạt qua bưu điện. Bạn phải sẵn sàng ra hầu tòa khi bị gọi, cần thiết thì phải thuê luật sư. Trong một xã hội phát triển, việc sử dụng tòa án là một việc rất bình thường cho các bên tranh chấp bình đẳng, và tòa án chính là một công cụ của mọi người trong xã hội, chứ không phải chỉ là của chính quyền.

Nếu bạn chấp nhận bị phạt, đây là trường hợp phổ biến, bạn đánh dấu “chấp nhận”, và có nhiều cách để trả tiền cực kì đơn giản.

Hoặc bạn ra đại lý bưu điện mua con tem đặc biệt trị giá khoản tiền phạt. Ví dụ bạn bị phạt 100.000 VND, bạn mua một con tem 100.000 VND, hay hai con tem 50.000 VND. Nhà nước phải lo in tất cả các con tem thuận lợi cho việc trả tiền bằng tem. Đại lý bưu điện phải có ở khắp nơi, giống như các điểm bán thẻ nạp điện thoại di động, để mua tem dễ dàng. Bạn dán mấy con tem này lên giấy phạt và gửi đi, thế là xong. Chuyện này ở ta làm được ngay hôm nay!

Đơn giản hơn nữa, một khi séc trả tiền trở nên phổ biến, bạn ghi tờ séc trả tiền cho “Quĩ Công”, và gửi kèm theo tờ giấy phạt.

Hiệu quả hơn nữa, khi trả tiền bằng thẻ qua mạng trở nên phổ biến, bạn nối Internet vào trung tâm trả tiền phạt, và trả tiền.

...

Điều còn lại cuối cùng, nhà nước cần trả lương đâu ra đấy cho những người đi phạt, để họ vui vẻ với cái công việc ngày hôm nay đã trở nên thật giản đơn, sạch sẽ, và không vụ lợi được nữa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG