Thông tin được cho hay tại hội thảo tham vấn cho Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với chủ đề “Định hướng tổ chức không gian và phát triển kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL” do Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 13/11 tại Cần Thơ.
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phó Đức Tùng cho biết, quy hoạch phát triển giao thông vùng ĐBSCL của Bộ GTVT đề xuất mô hình giao thông đường bộ chia lưới thành 5 tuyến dọc và 6 tuyến ngang, đường thủy được chia lưới thành 5 tuyến dọc và 2 tuyến ngang, hướng tới phát triển không gian đồng đều; hành lang trung tâm là chiều dọc Cà Mau – Cần Thơ – TP.HCM, các tuyến ngang đều kết nối một đầu với cửa khẩu và một đầu là các cảng biển, đi theo là các khu công nghiệp, khu đô thị…
Theo ông Tùng, định hướng của Bộ GTVT dàn trải với nhu cầu vốn khổng lồ, cho cả thực hiện hạ tầng và phát triển kinh tế liên quan. Thực tế nguồn lực giao thông và các ngành là hạn chế và khó thực hiện được tầm nhìn này. Mặt khác, tư duy cung cấp hạ tầng để thúc đẩy phát triển các khu vực là không phù hợp với kinh tế thị trường.
“Mặc dù Bộ GTVT xác định đường thủy nội địa là một thế mạnh và đặc thù giao thông của vùng nhưng yếu tố này chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, mô hình phát triển đồng đều toàn vùng chưa đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) và đặc thù sinh thái…” – ông Tùng nói.
Cũng liên quan đến hiện trạng giao thông ĐBSCL, đại diện đơn vị tư vấn cho biết, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng mới bắt đầu được tập trung đầu tư trong giai đoạn vừa qua, hệ thống kết nối nội vùng và liên vùng trên cơ sở các tuyến quốc lộ mới cơ bản hoàn chỉnh, tuy nhiên về cấp kỹ thuật và chất lượng mặt đường vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu.
Nguồn vốn đầu tư cho đường bộ giai đoạn 2011-2019 chỉ đáp ứng 50-57% nhu cầu của vùng. Dự kiến giai đoạn 2021-2025 cần bố trí 73.216 tỷ đồng. Trong đó, ưu tiên các đoạn tuyến như cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ (hơn 6.300 tỷ); tuyến N2 Đức Hòa – Mỹ An (6.400 tỷ), Mỹ An – Cao Lãnh (hơn 4.600 tỷ); cao tốc An Hữu – Cao Lãnh (4.500 tỷ); Rạch Giá – Hà Tiên (4.000 tỷ)… Dự kiến giai đoạn 2026-2030 cần bố trí 24.274 tỷ đồng để tiếp tục hoàn thiện các dự án đang triển khai.
Cũng theo đơn vị tư vấn, hệ thống đường bộ khả năng phân kỳ đầu tư dễ dàng, tổng mức đầu tư không quá cao và hiệu quả ngay sau đầu tư nên được ưu tiên lựa chọn trong phát triển đầu tư hạ tầng giao thông vùng giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên, suất đầu tư hệ thống đường bộ trong vùng tương đối cao. Cụ thể, quốc lộ quy mô cấp III đồng bằng là 26 tỷ đồng/km, cao hơn 13% so với bình quân cả nước và 25% so với đồng bằng phía Bắc; cao tốc quy mô 4 làn xe là 190 tỷ đồng/km, cao hơn 22% so với bình quân cả nước và 56% so với đồng bằng phía Bắc.
Dự kiến tổng mức đầu tư cả vòng đời (bao gồm cả chi phí đầu tư và sửa chữa bảo trì) các dự án quốc lộ có khả năng tăng 18-26% và dự án cao tốc từ 35-42% (so với hiện nay) nếu xét đến các giải pháp và hậu quả phải khắc phục do BĐKH và nước biển dâng. Do vậy, tính cạnh tranh và hiệu quả của đầu tư đường bộ so với các phương thức vận tải giảm xuống.
Nói về nhận định “Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn của ĐBSCL chủ yếu do tỷ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản cao trong GDP của vùng”, TS Đặng Kim Sơn (Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp) cho rằng, vấn đề không phải là tỷ trọng cao mà là chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp. Nếu công nghiệp và dịch vụ phục vụ hợp lý cho nông nghiệp, tiếp cận thị trường và dịch vụ hậu cần tốt hơn, tổ chức sản xuất, đầu tư, khoa học công nghệ áp dụng đúng, lao động toàn dụng thì kinh tế vẫn phát triển cao…
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, vùng ĐBSCL hiện đang đứng trước nhiều thách thức, bao gồm cả các tác động tiêu cực của BĐKH, nước biển dâng và những thảm họa thiên tai khác cũng như các áp lực ngày càng lớn cho vùng ĐBSCL về phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là gần đây, trước sức ép lên hệ thống hạ tầng của ĐBSCL đã làm gia tăng thêm nguy cơ thảm họa thiên nhiên.
Trước bối cảnh đó, các cấp, các ngành đã ban hành và thực thi nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án nhằm hoàn thiện hê thống hạ tầng kỹ thuật của vùng ĐBSCL để giải quyết sức ép. Song, những những biện pháp này chủ yếu để ứng phó mang tính cục bộ theo ngành, lĩnh vực và từng địa phương riêng rẽ, mà thiếu tính tổng thể, liên kết giữa ngành, địa phương một cách dài hạn trên toàn vùng nên chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho ĐBSCL.
“Vì thế, tôi cho rằng, việc giải quyết hiệu quả vấn đề hạ tầng của ĐBSCL cần phải xuất phát từ quan điểm tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, trên cơ sở xử lý đồng bộ bài toán tổng thể với một tầm nhìn dài hạn trong sự phối hợp tham gia của tất cả các ngành kỹ thuật, kinh tế và xã hội bằng những công cụ xác đáng, mang tính kết nối cao” – Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nói.