Phát triển du lịch Bình Định cần đột phá và khác biệt

Eo Gió - Nhơn Lý đang là một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách.
Eo Gió - Nhơn Lý đang là một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách.
TP - Đó là ý kiến đóng góp của nhiều đại biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Bình Định chiều  3/4 do UBND tỉnh Bình Định phối hợp Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho răng một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến việc phát triển thương hiệu du lịch Bình Định là “nhân hiệu”. Có nghĩa tầm nhìn và dũng khí của nhà lãnh đạo là rất quan trọng. Phải có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư. “Các nhà lãnh đạo cần phải rời ngay bàn giấy để tham dự các hội nghị quốc tế, tiếp cận các nhà đầu tư, doanh nghiệp kêu gọi đầu tư” – ông Thọ nói. 

Ông phân tích, bình quân Bình Định đón trên 2.000.000 lượt khách/ năm nhưng chi tiêu bình quân của du khách chưa đến 20 USD. Điều đó nói lên thực tế chất lượng du lịch còn kém cỏi trong khi tiềm năng rất phong phú. Cần nâng chi tiêu du khách lên 100 USD/người tức nâng chất lượng du lịch.

Ông Thọ cũng cảnh báo việc phát triển công nghiệp và cảng biển phải hết sức cẩn thận nếu không mục tiêu du lịch sẽ không đạt được. Phát triển du lịch chỉ có thể đi đôi với nông nghiệp xanh, trồng trọt, chăn nuôi, công nghệ cao…chứ không đi đôi với công nghiệp. Cần phải quy hoạch để không làm ảnh hưởng đến môi trường. Chú trọng phát triển thành phố Quy Nhơn thành thành phố Xanh -  Sạch - Đẹp, điểm đến hấp dẫn và an toàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: Năm 2015, Bình Định đón 2.062.000 lượt khách, tăng 25% so với năm 2014 (trong đó khách quốc tế đạt 205.950 lượt); tổng doanh thu du lịch đạt hơn 1.037 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2014.

Năm 2016 hướng đạt 3,2 triệu lượt khách, phấn đấu đến năm 2020 đạt 5 triệu lượt khách (trong đó có khoảng 600.000 lượt khách quốc tế), tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm giai đoạn 2016 – 2020. Về cơ sở lưu trú, năm 2016 tỉnh có 140 cơ sở, với tổng số khoảng 4.000 phòng. Đến năm 2020 đạt 200 cơ sở, 5.400 phòng, trong đó 35% đạt chuẩn từ 3 – 5 sao, số ngày lưu trú đạt 2,5 ngày/ khách. Về nguồn nhân lực, 90% lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ …

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, để những định hướng, tư tưởng, mục tiêu chuyển hóa thành hiện thực, Bình Định cần tập trung có trọng điểm và có chất lượng để thu hút các nhà đầu tư. Cần quan tâm đến 4 trụ, gồm: hạ tầng; dịch vụ, cơ sở lưu trú; đào tạo nhân lực. Và đặc biệt, sản phẩm du lịch phải khác biệt (ví dụ võ, thi ca, văn hóa Chăm…).

Theo ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT BIDV Bình Định đang vươn tới vị trí hàng đầu của du lịch miền Trung cùng với Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận. Tuy nhiên, du lịch Bình Định vẫn đang đối diện với những thách thức. Đó là việc thu hút, phân bổ và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển du lịch còn chậm. Tổng số vốn đăng ký các dự án đầu tư du lịch giai đoạn 2004 – 2014 gần 38.000 tỷ đồng, song vốn giải ngân đến nay mới chỉ thực hiện được hơn 30%. Hệ thống giao thông công cộng, sân bay, bến cảng, cơ sở lưu trú còn nhiều hạn chế. Trong dịp này, BIDV cam kết sẽ tài trợ tín dụng, kêu gọi đầu tư, tài trợ vốn cho phát triển du lịch và kinh tế-xã hội của Bình Định, thúc đẩy liên kết vùng duyên hải miền Trung.

MỚI - NÓNG