Tính đến hết tháng 3/2024, cả nước có 66 thiết chế văn hóa cấp tỉnh, 689/705 quận huyện có Trung tâm Văn hóa, Thể thao hoặc Nhà Văn hóa, đạt tỷ lệ 97%, tỷ lệ này ở cấp xã là 77%, cấp thôn là 76%, có 56 Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi cấp tỉnh, 106 Nhà Thiếu nhi cấp huyện...
Các tỉnh, thành phố lớn là nơi tập trung hầu hết các thiết chế văn hóa quy mô như bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm triển lãm, trung tâm giải trí... Nhưng không hiếm công trình từng được nhà nước đầu tư vang bóng một thời, giờ đây chìm trong im lìm hoang vắng vì không có nổi hoạt động tương xứng.
Các liên hoan nghệ thuật, sân khấu toàn quốc thổi làn gió mới cho hoạt động của các thiết chế văn hóa. Tuy nhiên, hàng loạt sự kiện được tổ chức chỉ tạo sinh khí nhất thời cho thiết chế văn hóa đó mà chưa thực sự phát huy được giá trị. Hoạt động cầm chừng là bức tranh chung của nhiều công trình hiện có.
Không có hoạt động biểu diễn thường xuyên cũng khiến cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị trong các thiết chế văn hóa nhanh chóng xuống cấp, xập xệ. Bên cạnh đó, một số loại hình nghệ thuật không được đầu tư xây dựng thiết chế riêng mà phải thuê địa điểm để biểu diễn gây tốn kém, trực tiếp ảnh hưởng đến doanh thu của nhà hát, thu nhập của cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên...
Bàn về thực trạng của hệ thống thiết chế văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, thiết chế văn hóa ở nước ta vừa thừa, vừa thiếu.
“Chúng ta còn thiếu rất nhiều thiết chế văn hóa như bảo tàng, nhà hát, thư viện, công viên... đủ tiêu chuẩn để tổ chức các sự kiện lớn, mang tầm khu vực và quốc tế, được tổ chức và vận hành một cách chuyên nghiệp, nhưng lại thừa những thiết chế không đáp ứng được các tiêu chuẩn này”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này có nhiều lý do khác nhau, nhưng phần lớn xuất phát từ lịch sử thiết chế đó. Các thiết chế được xây dựng từ lâu, với những thiết kế, chức năng, và cả công năng sử dụng phù hợp với một thời kỳ lịch sử cụ thể.
“Lúc đó chúng ta chưa hình dung được sự phát triển khoa học công nghệ mạnh mẽ như hôm nay, chúng ta cũng chưa đủ nguồn lực để có thể tạo ra những cơ sở vật chất xứng tầm, chưa kể tư duy quản lý, tổ chức các hoạt động ở các thiết chế văn hóa cũng rất khác”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích.
NSND Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đề cập thực trạng thiếu thiết chế văn hóa lớn, xứng tầm quốc gia. Thậm chí, một số đơn vị nghệ thuật chưa có quỹ đất để xây nhà hát riêng phục vụ khán giả.
Trụ sở Nhà hát Cải lương Việt Nam (164 Hồng Mai, Hà Nội) xuống cấp, không đủ tiêu chuẩn đón khán giả hoặc để nghệ sĩ biểu diễn. |
Hiện nay, Nhà hát Cải lương Việt Nam - “anh cả” của nghệ thuật cải lương - chưa có rạp tiêu chuẩn để biểu diễn. Trụ sở tại số 164 Hồng Mai (Hà Nội) được xây dựng chắp vá từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX cũng xuống cấp, không đủ tiêu chuẩn đón khán giả hoặc để nghệ sĩ biểu diễn. Điều này buộc nhà hát phải thuê địa điểm để biểu diễn. Thuê địa điểm biểu diễn sẽ “ngốn” phần lớn nguồn kinh phí và gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của nhà hát, thu nhập của cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên...
Ngay như “anh cả đỏ” Nhà hát Kịch Việt Nam có trụ sở ở “bên hông Nhà hát Lớn” số 1 Tràng Tiền cũng chỉ có rạp nhỏ gần 190 ghế, chủ yếu phù hợp cho luyện tập hơn là biểu diễn những tác phẩm kinh điển. Những vở diễn có thiết kế mỹ thuật cầu kỳ, quy mô diễn viên lên cả trăm người thì bầu đoàn nghệ sĩ lại phải tính thuê địa điểm biểu diễn.
“Một thực tế khác khá phổ biến là các nhà hát không có khuôn viên, không có chỗ để xe như Nhà hát Tuổi trẻ, rạp Hồng Hà (Nhà hát Tuồng Việt Nam). Điều này chính là một trong những rào cản đến với nghệ thuật của khán giả vì chi phí để được thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật không chỉ là tiền mua vé mà còn là các chi phí liên quan như phí giao thông, phí gửi xe...”, PGS.TS Nguyễn Thị Anh Quyên, trường Đại học Văn hóa Hà Nội nêu.
Viện phim Việt Nam vắng khách, thu không đủ bù chi. |
Các thiết chế điện ảnh trung ương bao gồm Viện phim Việt Nam và Trung tâm Chiếu phim quốc gia. Trong khi Trung tâm Chiếu phim quốc gia duy trì được hoạt động liên tục, đông khách, Viện phim Việt Nam thì ngược lại. Viện có chức năng lưu chiểu, lưu trữ phim và bảo quản các tư liệu điện ảnh, nghiên cứu lý luận, công nghệ điện ảnh.
Tuy nhiên, nơi phục vụ công tác nghiên cứu, sáng tác điện ảnh lại xuống cấp nặng nề. Viện phim Việt Nam hiện nay không có bóng dáng của một thiết chế văn hóa hiện đại - xứng tầm với thành tựu và sự phát triển của nền điện ảnh cách mạng.
Kinh phí hoạt động thấp, cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp, quy mô nhỏ, nguồn nhân lực tổ chức khai thác vận hành các đơn vị này còn thiếu... khiến Viện phim không thu hút được khán giả, thu không đủ bù chi, hoạt động khó khăn. Từ đầu năm 2014, viện phim đã tạm dừng hoạt động chiếu phim dịch vụ và chỉ còn duy trì các hoạt động chiếu phim chuyên đề, các chương trình giao lưu điện ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của viện.
NSND Trần Ly Ly nhấn mạnh, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở phải được quy hoạch tổng thể. Mỗi vùng, mỗi tỉnh đều nên có những thiết chế riêng, mang bản sắc vùng miền.
TS. Hoàng Thị Bình, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định, nguồn lực đầu tư chi thiết chế văn hóa cơ sở còn hạn chế. Kinh phí cho các hoạt động nghiệp vụ của các thiết chế văn hóa rất hạn hẹp, chủ yếu chi cho hoạt động theo kỳ, cuộc, không có nguồn cho hoạt động thường xuyên.
“Kinh phí hoạt động cho các nhà văn hóa còn hạn chế, chủ yếu do nhân dân đóng góp, nên chất lượng chưa cao, số buổi hoạt động chưa đảm bảo. Việc tổ chức hoạt động của Nhà văn hóa thôn gặp khó khăn lớn nhất là không có kinh phí hoạt động. Căn cứ thực tế ở một số các địa phương cho thấy kinh phí cho hoạt động văn hóa của cấp xã chỉ từ 6-7 triệu đồng/năm. Để duy trì hoạt động, người dân không có kinh phí mua sắm trang thiết bị và kinh phí để tổ chức hoạt động”, TS. Hoàng Thị Bình nêu.
Thiếu kinh phí hoạt động, nhà văn hóa thường được gọi vui là "nhà văn khóa", hoặc là nơi để người dân tập thể dục thể thao. |
Không có hoạt động thường xuyên đồng nghĩa với việc các thiết chế văn hóa cơ sở hoạt động kém hiệu quả, chưa phát huy hết được vai trò, chức năng. “Nhìn chung, hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn một số cơ sở hiện chưa đáp ứng được nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ các hoạt động văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên, nhi đồng”, TS. Hoàng Thị Bình nhận định.
Với các thiết chế là bảo tàng, một số chuyên gia nhận định, nhiều bảo tàng chỉ quan tâm đến việc đầu tư cho công trình kiến trúc mà chưa đầu tư cho phần trưng bày, nội dung. Việc này khiến các bảo tàng sau hàng chục năm hoạt động vẫn vắng khách, không có nguồn thu.
Báo cáo của Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị Văn hóa 2024 cho thấy, nhiều địa phương chưa có quy chế quản lý, khai thác và tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố. Hệ thống điểm vui chơi dành cho trẻ em còn thiếu.
Mặt khác, việc xã hội hóa các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em là bước đi phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, song chi phí để được vào các khu vui chơi giải trí lại khá cao. Ngoài ra, những năm gần đây sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện nghe nhìn hiện đại như điện thoại di động, máy tính bảng, tivi kết nối internet… và các hình thức giải trí sôi động khác đã hạn chế việc phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở nói chung, đặc biệt là ở các đô thị phát triển, gây ra tình trạng lãng phí cơ sở vật chất đã đầu tư lâu dài.
Khác với cảnh đìu hiu, vắng khách của một số bảo tàng từ địa phương tới trung ương, Bảo tàng Quảng Ninh “vụt lên như ngôi sao sáng” khi trở thành một trong những thiết chế văn hóa nổi bật của vùng mỏ. Trong 5 năm (2019-2023), bảo tàng đã đón hơn 2 triệu lượt khách, thu về hơn 53 tỷ đồng từ phí tham quan.
Để có được những phát triển các thiết chế văn hóa, phục vụ đời sống nhân dân, tỉnh Quảng Ninh thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đây là giải pháp kịp thời, đem lại hiệu quả nổi bật.
Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - khẳng định, bên cạnh các thiết chế văn hóa, thể thao do Nhà nước đầu tư và quản lý, các thiết chế do các doanh nghiệp, tư nhân Quảng Ninh xây dựng ngày càng nhiều đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ kinh nghiệm cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian, thủ tục, hồ sơ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư. Từ năm 2016 đến nay, Quảng Ninh đã thu hút mạnh mẽ nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, kinh doanh các thiết chế văn hóa, thể thao quy mô lớn, với hơn 500 công trình, tổng kinh phí đầu tư trên 10.000 tỷ đồng.
“Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục khuyến khích các tầng lớp nhân dân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, đồng thời vận dụng nguồn vốn hoạt động theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bà Nguyễn Thị Hạnh nói.
Việc xoay vòng nguồn thu tiếp tục đầu tư vào phát triển, nâng cấp bảo tàng luôn được quan tâm. Từ nguồn kinh phí thu được từ hoạt động thu phí tham quan, ngoài kinh phí chi thường xuyên, Bảo tàng Quảng Ninh dành một phần kinh phí phục vụ công tác hiện đại hóa bảo tàng, đem lại cho khách tham quan trải nghiệm mới mẻ như: bố trí các màn hình cảm ứng lớn, giúp du khách truy cập internet để tìm hiểu về bảo tàng ảo, tương tác tìm hiểu về văn hóa, con người Quảng Ninh, kết nối trực tuyến hệ thống camera tại khu di tích và danh thắng Yên Tử với màn hình tivi ghép 100 inch của không gian trưng bày tại bảo tàng…
Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế nằm trong số địa phương tiên phong, nhanh nhạy, linh hoạt trong đầu tư, khuyến khích các thiết chế văn hóa phát triển phục vụ nhu cầu của người dân, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Ở đó, các thiết chế văn hóa được phát huy giá trị, tiềm năng bằng nội lực, bằng chính sách hiệu quả của địa phương chứ không hẳn chỉ trông chờ ở ngân sách của Nhà nước.
Bảo tàng Quảng Ninh là một trong những thiết chế văn hóa nổi bật của tỉnh, hoạt động thực sự hiệu quả về kinh tế và phát huy giá trị. |