Phát hiện nhiều hiện vật giá trị khi khai quật phế tích tháp Đại Hữu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 31/7, Sở VH&TT Bình Định tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ đợt 2 phế tích tháp Đại Hữu (ở xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát).
Phát hiện nhiều hiện vật giá trị khi khai quật phế tích tháp Đại Hữu ảnh 1

Phát hiện nhiều hiện vật giá trị sau đợt khai quật lần thứ 2 tại phế tích tháp Đại Hữu. Ảnh: Đ.X.

TS. Phạm Văn Triệu - Viện khảo cổ học Việt Nam cho hay cuộc khai quật phế tích tháp Đại Hữu năm 2024 đã xuất lộ toàn bộ phần thân tháp, nền móng tiền sảnh phía Đông, nền móng chân đế phía Bắc và một phần nền móng chân đế phía Nam và Tây.

Quá trình khai quật phát hiện được số lượng 156 hiện vật đá với nhiều loại hình và kích thước khác nhau.

Về chất liệu đá, có 3 loại: Đá cát kết, đá hoa cương và đá ong. Trong đó, những hiện vật có trang trí được tạc trên đá cát kết, bao gồm các loại hình sau: Bệ thờ, mảnh minh văn, lá nhĩ đá, đá trang trí điểm góc, phù điêu trang trí hình người, tượng hình động vật, phù điêu trang trí hình cánh sen…

Ngoài ra, quá trình khai quật còn phát hiện được 522 hiện vật chất liệu đất nung (chưa tính hiện vật gạch).

Về quy mô kiến trúc, qua 2 đợt khai quật đã xuất lộ kiến trúc tháp Đại Hữu, có bình đồ hình vuông. Thân tháp có bình đồ mỗi cạnh dài 9x9 m, lòng tháp có bình đồ mỗi cạnh dài 3,8x3,8 m và nền móng chân đế tháp có bình đồ gần vuông mỗi cạnh dài 12,7x13 m.

Phát hiện nhiều hiện vật giá trị khi khai quật phế tích tháp Đại Hữu ảnh 2

Nền tháp lộ ra. Ảnh: Đ.X.

Tháp có cửa ra vào phía Đông và hệ thống cửa giả. So sánh về bình diện với các tháp Chăm pa khác thì bình diện tháp Đại Hữu có quy mô lớn. Kết hợp giữa quy mô kiến trúc to lớn và nằm trên vị trí cao nhất của đỉnh núi.

Theo TS. Phạm Văn Triệu, phế tích tháp Đại Hữu được xây dựng trên đỉnh núi với bề mặt là đá. Trước khi xây dựng tháp người Chăm đã đục những tảng đá để tạo mặt bằng nhất định. Tiếp theo người thợ cho một lớp đất mỏng đầm nện chặt, lớp này có tác dụng ổn định phần móng và mặt bằng, rồi tiến hành cho xây gạch và đá lên.

Hệ thống móng tháp được sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau như gạch, đá ong, đá hoa cương, đá cát kết.

Phát hiện nhiều hiện vật giá trị khi khai quật phế tích tháp Đại Hữu ảnh 3
Phát hiện nhiều hiện vật giá trị khi khai quật phế tích tháp Đại Hữu ảnh 4Phát hiện nhiều hiện vật giá trị khi khai quật phế tích tháp Đại Hữu ảnh 5

Những hiện vật được phát hiện sau khi khai quật. Ảnh: Đ.X.

Cũng theo TS. Triệu, từ những di tích và di vật, so sánh với kiến trúc tháp Chăm pa đã được khai quật nghiên cứu, kết hợp các minh văn đã được phát hiện từ trước cho đến nay, ông nhận định rằng có khả năng phế tích tháp Đại Hữu có niên đại khoảng giữa thế kỷ 13. Trong quá trình khai quật phát hiện các mảnh gốm gia dụng có niên đại khoảng thế kỷ 17-18.

"Những hiện vật này gắn liền với thành Chánh Mẫn được nhà Tây Sơn cho xây dựng tại phía Đông Bắc dưới chân đỉnh núi Đất. Qua đó, phản ánh vào giai đoạn cuối thế kỷ 18, khu vực phế tích tháp Đại Hữu là căn cứ quân sự quan trọng của nhà Tây Sơn", TS. Triệu nhận định.

Tại buổi báo cáo, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Bình Định Huỳnh Văn Lợi cho biết trong quá trình triển khai khai quật có một số vấn đề khó khăn, nhưng có sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan nên công tác khai quật phế tích tháp Đại Hữu rất thuận lợi. Quá trình khai quật Sở luôn theo dõi, chỉ đạo rất sát.

Sở VH&TT sẽ cho tạm dừng việc khảo cổ ở phế tích tháp Đại Hữu, vì với kết quả thực hiện khai quật năm 2023 và 2024 đã xuất lộ, có cơ sở để nghiên cứu trong thời gian tới nên dùng kinh phí để khai quật các điểm phế tích khác. Sau đó, tiến hành hoàn thổ để bảo vệ phế tích. Đồng thời, cần xây dựng hồ sơ để bảo vệ phế tích.

Trong thời gian tới, Sở đề nghị đơn vị chủ trì khai quật tiếp tục nghiên cứu và hoàn chỉnh công bố kết quả khảo cổ, cũng như tư vấn trong việc hoàn thổ, bảo vệ và phát huy di tích. UBND huyện Phù Cát và UBND xã Cát Nhơn cần phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bình Định bảo vệ điểm phế tích tháp Đại Hữu, tuyên truyền cho người dân hạn chế đến địa điểm phế tích này, cần bảo vệ phế tích để phát huy…

MỚI - NÓNG
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
TPO - Chiều 19/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong cùng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, BLĐ CLB Bóng đá Hà Nội, các cầu thủ đã trao số tiền ủng hộ 55 triệu đồng, hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại tỉnh Phú Thọ. Đoàn cũng đã đến thăm, chia sẻ với gia đình có 2 nạn nhân tử vong trong vụ sập cầu Phong Châu vừa qua.