Đời voi, đời người (Kỳ 1):

Phận voi nhà

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với người Tây Nguyên xưa nay, voi như một thành viên đặc biệt trong gia đình, trở thành biểu tượng văn hóa của đại ngàn. Tuy nhiên, số lượng đàn voi nhà hiện giảm đến mức báo động đỏ. Gánh nặng mưu sinh của con người khiến đàn voi vẫn phải oằn lưng cõng khách; dẫn tới vô sinh, giảm tuổi thọ… Những đôi mắt đau đáu của chủ voi và voi chất chứa bao điều.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, thay đổi môi trường sống, tốc độ đô thị hóa, nguồn thức ăn của voi nhà ngày càng cạn kiệt. Có cung ắt có cầu, các nài voi (người chăm sóc voi) cũng phải linh hoạt, đáp ứng sở thích của không ít du khách được một lần cưỡi voi, bù lại họ có thêm kinh phí để chăm nuôi và trang trải cuộc sống gia đình. Không ít người đã lên án loại hình du lịch cưỡi voi.

Oằn lưng phục vụ khách

Phận voi nhà ảnh 1

Voi nhà ở Đắk Lắk vẫn còn chở khách

Về Buôn Đôn những ngày này, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của đất trời khi mùa khô đang hiện hữu. Hơi nóng phả khắp nơi khiến rừng khộp York Don khô khốc, những thảm xanh cuối cùng của đại ngàn cũng phải rũ mình để chống chịu sự khắc nghiệt của quy luật tự nhiên. Cỏ cây xơ xác, héo rụi trở thành nỗi ám ảnh của chủ voi, nài voi (người chăm sóc voi) nơi đây.

Ông Y Khu Êban (buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn)- chủ voi cái 38 tuổi tên Ta Nuôn loay hoay mãi trong rừng mới tìm được chỗ cỏ mới cho voi. “Qua cái thời trời sinh voi, trời sinh cỏ rồi! Mùa nắng, cây cỏ khô héo, tôi dậy từ 4 giờ sáng đưa voi Ta Nuôn vào sâu trong Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn, cách nhà 20 cây số. Khu vực này thuộc kiểu rừng bán thường xanh, cây cỏ còn xanh nhưng thức ăn cho voi không nhiều. Có còn hơn không, mỗi ngày tôi vào rừng 2 lần để thay cỏ cho voi”, ông Y Khu nói.

Đại diện Trung tâm Bảo tồn Voi cho biết, Đắk Lắk hiện có 37 cá thể voi nhà. Trong đó, 7 con tham gia mô hình du lịch voi thân thiện (ngắm voi từ xa) tại VQG Yok Đôn, còn lại hầu hết đang chở khách du lịch. Việc voi nhà vẫn chở khách du lịch đã ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như công tác bảo tồn. Tuy vậy, theo đại diện trung tâm, voi thuộc sở hữu của người dân nên tỉnh Đắk Lắk chưa thể cấm loại hình du lịch cưỡi voi.

Tại huyện Lắk, chủ voi phải chi tiền mua thức ăn cho voi. Nài voi Y Thăn Bdap (buôn M’liêng, xã Đắk Liêng) cho biết, đã mua nguyên một vườn chuối với giá 15 triệu đồng ở gần khu vực chăn thả voi cái Ban Nang để tiện bổ sung thức ăn. Anh Y Thăn cho hay, voi cần khoảng 1,5 tạ thức ăn/ngày. Vào mùa khô, thức ăn khan hiếm, gia đình mua thêm chuối, dứa, bắp…cho voi.

“Ban Nang gắn bó với gia đình tôi từ thời ông bà. Nhìn voi thiếu thức ăn, chúng tôi không thể bỏ mặc. Khi dịch COVID-19 chưa xuất hiện, nhà tôi cho Ban Nang chở khách kiếm thêm chút tiền trang trải và mua thức ăn cho nó. Nhưng gần 2 năm qua, dịch bệnh, khách không có, tôi thả voi trong rừng kiếm ăn cả tháng mới đưa về thăm nhà”, Y Thăn nói.

Một chuyên gia về voi tiết lộ, nếu được sống trong môi trường tốt, tuổi thọ trung bình của voi từ 80 năm trở lên. Ngược lại, khi bị khai thác du lịch quá mức, tuổi sẽ bị suy giảm đáng kể. Minh chứng là sự ra đi ở tuổi 65 của voi cái H’Non (huyện Buôn Đôn) vào tháng 4/2021. H’Non từng phục vụ trong một khu du lịch. Đến năm 2017, vì ốm yếu, răng rụng, mắt bị hỏng, đi lại khó khăn, không thể phục vụ du lịch. Biết được thông tin, Tổ chức Động vật châu Á (AAF) phối hợp Trung tâm Bảo tồn Voi thuê lại cá thể voi này với giá 10 triệu đồng/tháng. Từ đó, voi H’Non được đưa vào rừng tự do kiếm ăn, nhưng cũng chỉ được vài năm thì qua đời do quá yếu, không thể nhai thức ăn.

Phận voi nhà ảnh 2

Chủ voi ở huyện Lắk mua thêm chuối làm thức ăn cho voi

Trước voi H’Non, đã có nhiều cá thể voi nhà gục chết sau nhiều năm phục vụ du lịch như voi cái H’Băn (59 tuổi, ở trấn Liên Sơn, huyện Lắk) chết vào năm 2019. H’Băn chính là voi “bảo mẫu” đầu tiên ở Việt Nam được lựa chọn để chăm sóc cho một cá thể voi nhà khi mang thai. Hay voi đực Nang Liêng (ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) chết khi mới 43 tuổi. Trước khi được thả vào rừng kiếm ăn rồi gục chết, voi Nang Liêng vẫn cõng khách du lịch và từng nhiều lần kiệt sức…

Xót xa

Mỗi lần voi nhà gục chết lại gióng thêm hồi chuông cảnh báo “biểu tượng văn hóa” Tây Nguyên đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nhưng đến bây giờ, voi nhà vẫn oằn lưng chở khách với đủ lý do. Đầu tháng 2/2022, Tỉnh ủy, UBND Đắk Lắk chỉ đạo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Bảo tồn Voi… báo cáo việc báo chí phản ánh voi nhà bị thương vẫn chở khách. Sự việc xuất phát từ phản ánh của nữ du khách khi đến 2 khu du lịch ở huyện Lắk và Buôn Đôn du xuân, tình cờ chứng kiến cảnh voi nhà liên tục chở khách. Mỗi nhân viên điều khiển voi đều cầm chiếc roi có móc sắt để “răn” chúng. Đau xót hơn, nữ du khách tận thấy trên đầu, gần tai voi có nhiều vết thương mới, cũ còn rỉ máu.

Quá thất vọng, nữ du khách trải lòng về chuyến trải nghiệm tệ nhất lên mạng xã hội và ngay lập tức thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Sự việc được báo chí phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc xác định voi bị thương là Khăm On (huyện Buôn Đôn). Chủ voi giải trình rằng, voi Khăm On bị khuyết tật 1 mắt, trong lúc vào rừng tìm thức ăn, không may bị cây rừng đâm, không có chuyện bạo hành voi! Qua sự việc trên, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng phương án chuyển đổi loại hình du lịch voi, tiến đến chấm dứt du lịch cưỡi voi.

Những ngày xuôi ngược 2 huyện Buôn Đôn và Lắk (Đắk Lắk)- nơi sở hữu đàn voi nhà lớn nhất cả nước, chúng tôi được nghe nhiều huyền tích về việc voi đến với buôn làng qua những chuyến đi săn của các dũng sĩ Tây Nguyên. Trải qua thời gian dài được huấn luyện, những voi rừng cứng đầu đã trút bớt tập tính hoang dã, trở thành người bạn đặc biệt của người. Voi mới bắt về được làm lễ đặt tên, dạy dỗ, làm lễ nhập buôn, hằng năm làm lễ cúng sức khỏe, tham gia các sự kiện hiếu hỉ trong gia đình, dòng tộc... Đến tuổi trưởng thành voi cũng được tổ chức lễ cưới. Khi voi già yếu, chết đi được gia chủ mai táng như người thân trong gia đình…

Cứ thế, voi trở thành biểu tượng văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên. Giờ đây, niềm tự hào ấy đang đứng trước thách thức lớn khi môi trường sống bị thu hẹp, nguồn thức ăn cực kỳ khan hiếm.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG